Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 16/08/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 17/8: Quay đầu giảm do lo ngại nhu cầu dầu

Giá xăng dầu hôm nay 17/8 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang17

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17/8 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh giá từ 15h ngày 15/8 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 167 đồng/lít, lên mức 20.882 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 179 đồng/lít lên mức 21.852 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S tăng 89 đồng/lít, lên mức 19.230 đồng/lít; dầu hỏa tăng 161 đồng/lít, ở mức 19.572 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S tăng 217 đồng/kg, lên mức 16.245 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 33 phiên điều chỉnh, trong đó có 15 phiên giảm, 15 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.

Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới, giá xăng dầu có thể sẽ có sự điều chỉnh trái chiều.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 17/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 76,60 USD/thùng, giảm 1,93% (tương đương giảm 1,51 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 79,70 USD/thùng, giảm 1,65% (tương đương giảm 1,34 USD/thùng).

Giá dầu thế giới hôm nay giảm gần 2%, ít thay đổi trong tuần với giá dầu thô Brent dưới 80 USD/thùng, vì các nhà đầu tư đã giảm bớt kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu từ nước nhập khẩu dầu hàng đầu là Trung Quốc. Dữ liệu từ Trung Quốc ngày 16/8 cho thấy nền kinh tế nước này đã mất đà vào tháng 7, với giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm, sản lượng công nghiệp chậm lại và tình trạng thất nghiệp gia tăng. Điều đó làm giới thương nhân lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Tháng trước, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc cũng đã cắt giảm mạnh tốc độ chế biến dầu thô do nhu cầu nhiên liệu yếu.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay vào thứ Hai, với lý do nhu cầu yếu ở Trung Quốc. Với cùng lý do trên, Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm sau.

Theo nhận xét của Andrew Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates, thị trường dầu mỏ đã có một tuần đầy biến động khi một mặt lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do xung đột ở Trung Đông lan rộng, nhưng mặt khác, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đã buộc các cơ quan phải điều chỉnh dự báo nhu cầu.

Trong khi đó, vòng đàm phán ngừng bắn mới ở Gaza, bắt đầu hôm 15/8 tại Qatar, đã bị tạm dừng. Các nhà hòa giải sẽ tiếp tục đàm phán vào tuần tới. Các nhà phân tích của Commerzbank nhận định, nếu tình hình ở Trung Đông không leo thang thêm nữa, giá dầu có thể sẽ giữ nguyên.

Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng ở mức vừa phải và tốc độ tăng lạm phát hàng năm chậm lại, giảm xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, điều này củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Giới phân tích cho rằng việc Mỹ cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và tiêu thụ nhiên liệu, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Cùng chuyên mục