Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 19/12/2023, 10:25 (GMT+7)

EVN kiến nghị nhập khẩu điện gió từ Lào

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng về chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào trong bối cảnh nguồn cung điện trong nước tiếp tục căng thẳng, nguồn điện giá rẻ giảm dần.

Sau khi cập nhật nhu cầu phụ tải, Tập đoàn nhận thấy, đối với miền Trung và miền Nam, việc cung ứng có thể đáp ứng nếu các nguồn điện mới trong Quy hoạch điện VIII hoàn thành theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc cung ứng điện trong các năm 2024-2030 ở miền Bắc dự kiến không mấy khả quan, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào thời điểm cuối mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm) và thiếu điện năng từ năm 2025.

Trước tình hình đó, EVN kiến nghị nhập khẩu các dự án điện gió từ Lào nhằm góp phần giảm chi phí mua điện mà vẫn đảm bảo cấp điện cho người dân. Được biết, giá điện gió nhập khẩu từ Lào có giá khoảng 1.700 đồng/kWh.

“Do đó, việc tăng nhập khẩu điện Lào sẽ giúp tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu cho phụ tải, giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong các năm tới. Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ (như thủy điện) giảm dần và các nguồn điện có giá thành cao (như nhiệt điện sử dụng khí LNG, khí lô B, điện gió ngoài khơi...) có xu hướng tăng cao. Do đó, việc tăng thêm nhập khẩu điện từ Lào sẽ góp phần giảm chi phí mua điện cũng như hỗ trợ đảm bảo an ninh cung cấp điện” - văn bản của EVN nêu rõ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuẩn bị cung cấp điện năm 2024 - Tạp chí Tài chính
Giá điện gió nhập khẩu từ Lào có giá khoảng 1.700 đồng/kWh. (Ảnh: EVN)

Về mặt pháp lý, Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam đưa ra quy mô công suất nhập khẩu tối thiểu điện từ Lào về Việt Nam đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW. 

Ngoài biên bản ghi nhớ giữa hai nước, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu từ các nguồn điện tại Lào với tổng công suất 2.689MW vào cuối tháng 10/2023. 

EVN cũng đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua điện từ 26 nhà máy điện của Lào với tổng công suất 2.240MW. Trong đó, có 7 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất là 806MW và dự kiến đến năm 2025 có thể đưa vào vận hành thêm 1.171MW.

Đối với các dự án vận hành sau năm 2025, việc tiếp tục triển khai sẽ phụ thuộc rất lớn vào cơ chế, chính sách và giá điện nhập khẩu sau năm 2025.

Báo cáo từ EVN cho biết, đến nay tổng công suất nguồn điện ở Lào được phép nhập khẩu về Việt Nam có thể đưa vào vận hành đến năm 2025 chỉ khoảng 1.977MW, thấp hơn nhiều so với quy mô nhập khẩu theo biên bản ghi nhớ.

Bên cạnh đó, so sánh giữa giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào với các nguồn điện gió và các nguồn nhiệt điện trong nước cho thấy, giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào hiện tại cao hơn giá trần của các dự án điện gió trong đất liền và thấp hơn các dự án điện gió trên biển.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu điện gió từ Lào sẽ giúp điện lực Việt Nam giảm được nguồn vốn đầu tư ban đầu cũng như không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước. 

Ngoài ra, trong văn bản kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào, EVN cũng đưa ra một số giải pháp để thuận lợi nhập khẩu điện từ Lào. 

Cùng chuyên mục