Vì sao doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc dịp Tết?
Dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp Việt Nam phải tung nhiều chương trình để đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.
Từ đầu tháng 11/2024, chị Trần Hồng Hải - chủ cửa hàng bán đồ trang trí ở quận 12 đã tìm nguồn hàng ở Trung Quốc để bán cho dịp Tết. "Hàng Trung Quốc có lợi thế là mẫu mã phong phú kèm với đó giá lại rẻ hơn so với các hãng cùng loại, do đó nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn", chị Hải nói.
Theo chị Hải, dịp cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, mặt hàng trang trí Tết cũng được ưa chuộng, tuy nhiên người tiêu dùng ưu tiên mua hàng vừa rẻ vừa đẹp để tiết kiệm chi phí. Còn nếu người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng xịn, thì họ không ra chợ mà đến các trung tâm thương mại lớn.
Cũng theo chị Hải, hàng Trung Quốc thường hút khách hơn so với hàng nội địa do mẫu mã phong phú, cộng thêm đó lợi nhuận thu được từ việc bán hàng Trung Quốc cũng tốt hơn so với hàng nội địa. Do vậy, chị năm nào cũng tìm kiếm nguồn hàng từ Quảng Đông về bán.
Một lợi thế của hàng Trung Quốc nữa đó chính là "bắt trend" rất nhanh, mỗi năm có trend gì họ sẽ tung các mẫu mã về trend đó để thu hút khách hàng. Ví dụ khay đựng bánh kẹo có nhiều hình thù khác nhau như bông hoa, trái tim... rất bắt mắt có giá từ 100.000 đồng. Hay những bông hoa giả làm giống hệt hoa thật mà còn có mùi hương thơm nhẹ, có giả chỉ 10.000 đồng/bông. Cùng mẫu mã trên, hàng nội địa thường có giá cao hơn từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Đối với các doanh nghiệp lớn, năm nay phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc do giá cả khác nhau quá lớn. Ngoài ra, yếu tố kinh tế khó khăn cũng khiến cho người tiêu dùng lựa chọn hàng rẻ để sử dụng hơn là ủng hộ hàng nội địa.
Đơn cử như hàng may mặc, giá của hàng Trung Quốc thấp hơn 20-50% so với hàng trong nước, nhất là ở các chợ và trung tâm thương mại. Độ phủ sóng của hàng Trung Quốc cũng rất lớn, khi ở bất cứ chợ hay cửa hàng thời trang nào, cũng có rất nhiều hàng không phải nội địa.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh đến một số yếu tố về việc hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường.
“Hiện nay, hàng hóa của Trung Quốc với giá rẻ đang tràn ngập các thị trường trên thế giới, gây lo ngại cho các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam cũng như các nước khác như Hoa Kỳ và châu Âu. Nguyên nhân là do sản lượng sản xuất dư thừa ở Trung Quốc trong khi sức mua của người dân giảm sút sau đại dịch Covid-19”, bà Hạnh nói.
Và mặc dù hàng Trung Quốc có giá rẻ, nhưng chất lượng đang có những bước tiến rõ rệt và không thể coi là kém chất lượng. Các doanh nghiệp Việt Nam đang lo ngại về sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc trên thị trường trong nước. Bởi thực tế, những thương hiệu bán lẻ lớn như Amazon ở Hoa Kỳ cũng đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
Để ứng phó, Amazon đã phải mở ra một công ty bán hàng giá rẻ để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tìm kiếm các giải pháp để tồn tại và phát triển trong bối cảnh này.
Theo bà Kim Hạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm, vì dù giá rẻ, khách hàng vẫn coi trọng chất lượng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cách giảm chi phí quản lý, nguyên liệu và logistics.
Bên cạnh đó là cần tận dụng lợi thế địa phương, nên tập trung vào sản phẩm địa phương, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thực phẩm, vì đây là lĩnh vực mà hàng Trung Quốc khó có thể cạnh tranh. Cùng với đó là không ngừng sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm để tạo ra sự khác biệt so với hàng Trung Quốc.