Đìu hiu mùa kinh doanh Tết, tiểu thương mệt mỏi chờ khách
Khác với mọi năm, tháng 11 là tháng khởi động mùa bán hàng thời trang cuối năm, tiếp theo là nhóm hàng hóa mỹ phẩm, gia dụng, bánh kẹo thực phẩm… Hiện không khí ế ẩm bao trùm khắp các chợ tại TP. HCM. Những tiểu thương bám trụ dọn hàng ra bán mỗi ngày vẫn cố níu hy vọng sức mua có thể quay trở lại.
Mệt mỏi chờ khách
Theo lệ thường các năm, thời điểm này là mùa buôn bán sầm uất nhất của các chợ An Đông, Tân Bình, Tân Định… tại TP. HCM, với đơn hàng mua sỉ đổ về tấp nập. Người ghi toa (hóa đơn), người ở kho soạn hàng, bốc vác, xe ôm, giao hàng không ngừng nghỉ.
Nhưng đến nay đã giữa tháng 11, những ngôi chợ thời trang này đang rơi vào cảnh đìu hiu, khách mua sỉ lác đác, khách mua lẻ thưa thớt, nhiều sạp hàng từng có 5-7 người phụ việc nay chỉ còn 1-2 người. Vào mùa mua sắm cuối năm mà đóng cửa nghỉ bán là chuyện xưa nay hiếm, nhưng thực tế có nhiều chủ sạp nghỉ ngày đầu tuần, giữa tuần mới mở bán.
Bà Mai Hạnh, chủ sạp ở chợ An Đông quận 5 với hơn 30 năm buôn bán ở đây cho biết: “Các mối hàng sỉ có đến tìm mẫu mới, nhưng cũng chỉ lấy một vài kiểu về trưng bày, cập nhật cho shop thôi, những mối mua đủ màu đủ size, đóng hàng bao tải như các năm trước gần như không có”. Ghi nhận từ các đầu mối bán sỉ, các chủ cửa hàng, chủ shop bán lẻ hiện trong tình trạng ế ẩm, không có nhiều vốn lấy hàng mới, nên họ cũng không mạnh dạn đầu tư mua gom hàng bán cuối năm.
Là một chủ bán sỉ, trong các năm trước, bà Mai Hạnh thường phải gom vốn từ vài chục đến vài trăm triệu cho các lô hàng thời trang mua sỉ từ các xưởng sản xuất, các đầu mối cung cấp hàng thời trang Quảng Châu. Nhưng năm nay, bà cũng không “ôm hàng”, chỉ thêm một vài mẫu mới với số lượng hạn chế, mỗi mã hàng 1-2 ri (một kiểu với đủ các size).
Thậm chí có những chủ sạp lớn, việc kinh doanh sa sút, mỗi ngày bán chỉ được trên dưới 1 triệu đồng, ngày quá vắng khách, doanh thu chỉ vài trăm ngàn đồng, nên gần như không có lời, chủ sạp còn phải “cõng” thêm nhiều triệu đồng từ khoản thuế, phí của các kho hàng gần chợ chưa cho thuê, sang nhượng lại được, nên khó khăn càng chồng chất.
Những bạn hàng của khu quần áo thời trang đều cho biết, tháng cuối năm của những năm trước là thị trường vào mùa buôn bán nhộn nhịp, shop quần áo, chợ lẻ ở tỉnh lấy hàng sôi động nhưng nay dù đã vào mùa nhưng khách chỉ đặt đơn sỉ nhỏ chứ không nhiều như trước. Nhiều sạp thuê lại không trụ nổi, chọn giải pháp đóng sạp, ngưng bán để giảm áp lực thuế và chi phí nhân viên.
Dạo một vòng quanh chợ sỉ quần áo lớn nhất TP. HCM là chợ An Đông, tỷ lệ sang nhượng sạp vẫn cao, nhiều sạp quần áo vẫn kiên trì đóng cửa phủ bụi cả năm trời vẫn chưa tìm được chủ mới. Trong chợ, người bán nhiều hơn khách mua, tiểu thương ngồi lướt điện thoại còn nhiều hơn số người bán.
Ghi nhận từ Ban quản lý chợ An Đông, cả chợ có 2.300 sạp với nhiều ngành hàng, hiện lượng khách đến chợ ở mức thấp, nhất là nguồn khách lẻ. Tình trạng này dẫn đến có những trường hợp tiểu thương hạn chế mở cửa bán hàng, hoặc chọn tạm nghỉ, sang sạp, đặc biệt ngành hàng như quần áo, vải, thời trang...
Tại chợ Bình Tây, quận 6, có chủ sạp ngồi từ sáng đến chiều vẫn chưa có khách mở hàng. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1) ghi nhận lượng khách vào mua sắm cũng không được như xưa, đặc biệt các ngành hàng thời trang đều thưa thớt khách qua lại. Ở tầng trệt chợ Bà Chiểu là nơi buôn bán đủ loại thực phẩm nên khách còn ra vào, lầu 1 của chợ thường xuyên trong tình trạng “người bán nhiều hơn người mua”.
Chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, một trong những khu chợ giá rẻ nổi tiếng ở TP. HCM, từng rất sầm uất khi là địa chỉ mua sắm yêu thích của giới trẻ, nhưng nay, việc kinh doanh hết sức chật vật. Với 400 sạp cố định trên diện tích gần 2.400 m2, khi còn ở thời hoàng kim, mỗi sạp tại khu chợ này được cho thuê với mức giá từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Hiện tại, giá mặt bằng ở đây chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/sạp nhưng nhiều tiểu thương vẫn ngại thuê. Số lượng sạp còn kinh doanh chỉ khoảng 50%.
Chật vật mùa cuối năm
Đánh giá về cơ hội bán hàng Tết trong bối cảnh sức mua cuối năm nay đang sụt giảm ở các chợ, nhiều chủ sạp tại TP. HCM than thở và lo lắng khó có thể kỳ vọng khách mua đông trở lại. Theo họ, mọi năm giờ khách đã đặt hàng Tết rồi, hai tháng cuối năm bán gấp đôi, gấp ba tháng thường, đặc biệt là khách sỉ ở các tỉnh mua nhiều, nhưng giờ này chẳng thấy khách đặt hàng hay hẹn lên coi hàng.
Toàn TP. HCM có 233 chợ (gồm 3 chợ đầu mối) nhưng hiện chỉ có 225 chợ hoạt động. Tình trạng vắng khách không chỉ bao trùm những nhóm hàng quần áo, thời trang, mỹ phẩm, mà những nhóm hàng thực phẩm, bánh kẹo, đặc sản… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một chủ doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo Tết dự báo, lượng hàng cao cấp bán ra dịp tết này sẽ giảm sâu, có thể chỉ bằng 30- 40% năm ngoái. Hiện doanh nghiệp của bà đã chọn thêm các sản phẩm bánh kẹo nhập giá rẻ hơn từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… để thay thế loại hàng cao cấp nhập EU. Nhưng bà cũng lên kế hoạch sức mua có thể chỉ bằng 70% Tết năm ngoái, sau tháng Tết thì lượng hàng tồn sẽ đẩy ra bán khắp các chợ, cửa hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng mua sắm online lên ngôi, kết hợp với việc người tiêu dung thắt chặt chi tiêu, đang đẩy các chợ mua bán hàng trực tiếp vào cảnh ế ẩm. Nhưng ghi nhận thực tế, chính những tiểu thương vừa bán hàng ở chợ, vừa nỗ lực lôi kéo khách bằng cách mở các kênh bán hàng trực tuyến, vẫn ghi nhận tổng doanh thu từ cả 2 kênh đã và đang giảm mạnh.
Cụ thể với nhóm hàng hóa mỹ phẩm, khi không ra chợ, người mua chọn mua hàng khá dè dặt trên các shop online, sàn thương mại điện tử với rất nhiều khuyến mãi và giao hàng miễn phí. Phân tích trên hơn 1.000 đơn hàng bán ra trong tháng vừa qua, một chủ shop online cho biết, hơn 70% là hàng khuyến mãi từ 40% trở lên, còn lại là các loại sữa rửa mặt, tẩy trang, chăm sóc da cơ bản.
Các mặt hàng chăm sóc da cao cấp, trang điểm có mức giá trên 300.000 đồng/món đều bán chậm hơn các loại có giá bình quân 120.000- 150.000 đồng/món. “Kỳ vọng sức mua bật tăng dịp cuối năm chỉ có thể xảy ra khi các công ty tăng tiền lương thưởng dịp Tết”, vị chủ shop dự báo.
Nhiều shop chuyên doanh quà tặng, hàng thực phẩm biếu tặng Tết đang chuẩn bị các thực đơn chào hàng đến các doanh nghiệp. Theo đó, giá bình quân giỏ quà Tết đang được thiết kế bằng hoặc thấp hơn năm ngoái 10% cho vừa với định mức chi của các đơn vị mua hàng. Nhiều nhà cung cấp để ngỏ mức giá chung, tiện cho bên mua chọn quà theo ngân sách mà họ có.
Ẩn số lớn nhất mà hàng trăm nghìn chủ sạp, chủ cửa hàng bán lẻ đang kỳ vọng, là sức mua có thể bật tăng vào giờ chót để cứu cả năm buôn bán ế ẩm.