Thứ năm, 28/09/2023, 16:25 (GMT+7)

Điều trị ho cho trẻ: 5 sai lầm khiến bệnh mãi không khỏi

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Khi điều trị ho cho trẻ nhỏ, không phải cứ sử dụng nhiều thuốc kháng sinh là bệnh sẽ khỏi. Nếu muốn cơn ho thuyên giảm, cần áp dụng các phương pháp phù hợp.

Tiết trời mùa đông lạnh và hanh khô khiến trẻ nhỏ dễ gặp nhiều vấn đề về hô hấp, phổ biến nhất là các cơn ho. Để giúp quá trình điều trị ho cho trẻ có hiệu quả nhanh chóng, ít tổn hại đến sức khỏe, phụ huynh cần hạn chế 5 điều dưới đây!

1. Lạm dụng kháng sinh để điều trị ho cho trẻ

Nhiều phụ huynh cho rằng kháng sinh là "thần dược" có thể điều trị được tất cả các chứng bệnh. Khi thấy con bị ho nhiều, vì tâm lý lo lắng, họ sẽ nhanh chóng mua thuốc về cho uống. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh trong trường hợp này, bệnh tình không thể thuyên giảm và còn gây hại đến sức khỏe.

dieu-tri-ho-cho-tre
Lạm dụng kháng sinh có thể khiến bệnh không thể thuyên giảm, gây hại đến sức khỏe (Ảnh: Freepik)

Tác nhân gây ho ở trẻ chủ yếu là virus nên không phù hợp để dùng kháng sinh. Việc lạm dụng nó khiến cơ thể bị nhờn thuốc, kháng thuốc. Đây cùng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho, sổ mũi không khỏi và dễ tái đi tái lại. 

Đối với virus gây bệnh mũi họng, phụ huynh chỉ cần chăm sóc tốt cho con ở nhà, tăng cường đề kháng. Chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mũi thảo dược để khi cần sẽ dùng cho con. 

2. Sử dụng thuốc trị ho bừa bãi

Thông thường, trẻ bị ho do cảm lạnh. Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể, nó đẩy các vi khuẩn, virus,.. hay khỏi đường hô hấp. Phần lớn những trường hợp đều không cần sử dụng thuốc và sẽ tự khỏi ngay thời gian sau đó. 

Thuốc ho chỉ có tác dụng làm giảm tạm thời, không điều trị được nguyên nhân gây bệnh. Với ho cảm thông thường, chỉ cần vệ sinh mũi họng, giữ ấm, cho trẻ uống nhiều nước kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp sẽ tự khỏi bệnh.

Phụ huynh cần lưu ý, chỉ điều trị ho cho trẻ bằng thuốc khi trẻ quá khó chịu, quấy khóc, chán ăn, mất ngủ,.. Đồng thời, việc sử dụng thuốc cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ. 

3. Sử dụng đơn thuốc cũ

Đơn thuốc cũ có thể sử dụng nếu cùng một loại bệnh lý và các triệu chứng giống với lần ốm trước đó. Tuy nhiên trên thực tế, triệu chứng tương tự nhau nhưng không phải lúc nào bệnh gặp phải cũng giống nhau. 

dieu-tri-ho-cho-tre 2
Không nên sử dụng đơn thuốc cũ đã dùng trước đó (Ảnh: Freepik)

Các cơn ho là biểu hiện của nhiều bệnh lý, với nguyên nhân và diễn biến nghiêm trọng khác nhau. Đồng thời, khi trẻ lớn hơn thì loại thuốc và liều lượng sử dụng cũng cần thay đổi. Đơn thuốc cũ lúc này sẽ không phù hợp, thậm chí dễ gây nguy hiểm vì điều trị sai bệnh.

4. Tự ý ngưng thuốc khi chưa hết liệu trình

Đối với mỗi tình trạng bệnh lý khác nhau, bác sĩ sẽ thăm khám và lên phác đồ điều trị riêng. Nếu trẻ cần uống kháng sinh, thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 1 - 2 tuần mới có thể khỏi dứt điểm. 

Tuy vậy, không ít phụ huynh khi thấy con có dấu hiệu thuyên giảm ho, đồng thời lo sợ ảnh hưởng sức khỏe nên đã tự ý ngừng thuốc. Sai lầm này dễ làm việc điều trị ho cho trẻ trở nên khó khăn và khiến tình hình nghiêm trọng, kéo dài dai dẳng.

5. Ủ ấm cho trẻ không đúng cách

Ho có thể do nhiễm lạnh nên việc ủ ấm là cần thiết. Tuy vậy, không nên quá khắt khe bằng việc kiêng tắm, cho trẻ mặc nhiều quần áo dày, không cho ra ngoài,..

dieu-tri-ho-cho-tre 3
Không nên quá khắt khe trong việc ủ ấm cho trẻ (Ảnh: Freepik)

Nếu trẻ bị ho kèm sốt thì cần mặc trang phục thoáng mát để quá trình tỏa nhiệt dễ dàng hơn. Không cho trẻ ở nơi có nhiều gió nhưng cần tạo không gian thông thoáng cho căn phòng. Đồng thời, phụ huynh nên tắm rửa, vệ sinh cho trẻ bằng nước ấm và thực hiện nhanh chóng. 

Cùng chuyên mục