Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 16/09/2024, 14:01 (GMT+7)

Chuyên gia tâm lý tiết lộ yếu tố then chốt quyết định hạnh phúc hôn nhân

Những cuộc cãi vã giữa các cặp vợ chồng đôi khi là một gia vị giúp hôn nhân trở nên bền chặt. Tuy nhiên, sự phớt lờ, lạnh lùng trong hôn nhân lại là “mồi lửa” thiêu rụi một tổ ấm.

Người Nhật đã làm một thí nghiệm trên những cây nấm. Họ trồng ba cây nấm với cùng nhiệt độ, điều kiện sống, điều kiện chăm sóc như nhau. Với cây số một, ngày nào họ cũng nâng cây nấm lên, nói với nó những lời tiêu cực, rằng nó dở, xấu, nó không thông minh, không thể làm được việc gì, chỉ là đồ ăn bám. Với cây thứ hai, người ta chỉ nâng lên và bỏ xuống, không nói gì. 

Cây thứ ba, họ dịu dàng nâng lên mỗi ngày, nói những lời hay, khen nó xinh đẹp, thông minh, bảo rằng nó làm đúng và cứ tiếp tục như thế. Ngày qua ngày, khi cây nấm trưởng thành, các chuyên gia người Nhật đã nhận được một kết quả vô cùng bất ngờ. Cây thứ nhất héo úa, tơi tả, chực chờ gục ngã. Cây thứ hai phát triển bình thường. Trong khi cây thứ ba không ngừng cao lớn, phát triển sum suê. 

Câu chuyện truyền tải ý nghĩa về sự khích lệ và chê bai khiến chúng ta phải dừng lại, nghĩ suy. Cây cỏ còn như thế, con người sẽ thế nào? Nhất là trong đời sống hôn nhân?

Hôn nhân tan vỡ vì điều ít ai ngờ

Theo chuyên gia tâm lý, hôn nhân hạnh phúc cần có nhiều yếu tố nhưng chỉ cần một yếu tố nhỏ cũng có thể đẩy nó xuống bờ vực tan vỡ. Tuy nhiên, rất ít cặp vợ chồng biết và hiểu được điều này. Đây cũng chính là lý do dẫn đến những cuộc đổ vỡ trong hôn nhân.

Hôn nhân tan vỡ vì điều ít ai ngờ

Dẫn theo câu chuyện của một kỹ sư xây dựng mãi đến năm 38 tuổi mới lập gia đình, từng ngày chật vật với công việc trong khi bạn bè đồng trang lứa không ngừng thăng tiến. Lập gia đình muộn cũng vì chuyện này, anh thấy mình chưa làm được cái gì ra hồn, chấp nhận mức lương đủ sống như thế. Đôi lần cũng muốn ra riêng, nhưng anh lại sợ đủ điều. Khi có vợ, áp lực kinh tế càng nặng nề, làm tháng nào tiêu tháng đó. 

Càng muộn phiền hơn khi vợ anh mở miệng ra là bảo “anh quả là vô dụng”. Hôm nhà có việc, anh về muộn, chưa kịp ăn gì thì có người hỏi thăm công việc. Vợ anh nhanh nhảu phán “ảnh thất nghiệp, muôn đời có làm được cái gì ra trò đâu”.

Hàng ngày sống trong lời chê bai của vợ, anh thấy mình ngày càng héo úa, chẳng có gì khiến anh hào hứng hay lấy làm niềm vui. Anh giờ thiếu tự tin, không còn là anh kỹ sư đàn hay hát giỏi nức tiếng ngày xưa. Anh tâm sự, những tưởng kết hôn, sẽ thêm người chia sẻ, hiểu và thông cảm với mình, đằng này lại tiếp tay nhấn chìm anh xuống mấp mé địa ngục. 

Anh như cây nấm thứ nhất trong thí nghiệm của người Nhật, ngày nào cũng phải nghe những lời tệ hại nên tin rằng mình thực sự kém cỏi, không làm nên trò trống gì.

(làm box) “Khen chê bạn đời của mình là một nghệ thuật sống. Điều này giống như việc người ta trồng cho mình những cây nấm. Cây nấm chỉ thực sự phát triển nếu như có được sự yêu thương, khích lệ. Ngược lại, cây nấm sẽ nhanh chóng úa tàn”.

 Thêm một dẫn chứng khác về câu chuyện của một nhà báo về hưu, sống một mình. Hồi tưởng lại nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân, cô cho rằng lý do lớn nhất là vợ chồng không nói chuyện gì với nhau. Giống như cây nấm thứ hai, hôn nhân của cô rất bình yên nhưng không có gì đặc biệt. 

Những tưởng không có gì nói với nhau là an, nhưng thực ra, cãi nhau đôi khi cũng là một cách giao tiếp đầy yêu thương giữa các cặp vợ chồng. Ngược lại, sự phớt lờ, lạnh lùng trong hôn nhân lại là “mồi lửa” thiêu rụi một tổ ấm.

Nuôi dưỡng hôn nhân bằng những lời yêu thương 

Theo chuyên gia tâm lý, năng lượng tích cực trong hôn nhân thực sự rất cần thiết. Hình dung một sáng thức dậy, chồng nói “sáng nay nhìn vợ xinh quá”, thì cả ngày hôm ấy bỗng dưng vợ tin mình đẹp thật. Nét tươi vui, hạnh phúc sẽ bừng lên sáng ngời trên khuôn mặt người vợ. 

Nuôi dưỡng hôn nhân bằng những lời yêu thương

Hay một bữa nào đó, chồng thay cái đèn phòng tắm, vợ vu vơ bảo “nhà không có anh thì tối tăm mãi thôi”, có lẽ chồng sẽ vui đến mấy ngày. “Năng lượng giống như tài khoản ngân hàng, nó chỉ còn hoạt động khi ta cứ liên tục nạp thêm tiền vào. Nếu hôn nhân chỉ toàn những điều tiêu cực, nghe những lời tiêu cực, nói những lời không vui thì cũng như tài khoản, sẽ đến hồi cạn kiệt, trống rỗng” - vị chuyên gia nhận định.

Nhà tâm lý học John Mordechai Gottman nổi tiếng với các công trình về sự ổn định hôn nhân và phân tích mối quan hệ thông qua các quan sát khoa học trực tiếp cũng nhận định, “cặp đôi tích cực" khác “cặp đôi tiêu cực" ở chỗ, các cặp tích cực truyền cho nhau mọi cảm xúc trên dải cảm xúc, từ giận dữ, khó chịu, thất vọng và tổn thương cho đến yêu thương và tôn trọng. Dù đang tranh cãi về vấn đề gì, họ vẫn gửi đi thông điệp yêu thương, chấp nhận đối phương. 

Hành động trao nhau những nguồn năng lượng tích cực phải chăng là điều then chốt nhất của hôn nhân?

Cùng chuyên mục