Chuyên gia chỉ cách mua hàng trên Facebook để không rơi vào bẫy lừa đảo
Facebook là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo khai thác bằng cách lập các tài khoản Facebook giả mạo, trao bán những thiết bị đồ điện tử không chất lượng. Chuyên gia mách bài để người tiêu dùng không rơi vào bẫy lừa đảo.
Theo thống kê, đến tháng 10/2024, ước tính có hơn 86,1 triệu người Việt Nam có tài khoản Facebook. Bên cạnh mục đích giải trí, cập nhật tin tức, Facebook còn có rất nhiều hội nhóm trao đổi mua bán sản phẩm giúp người mua hàng thuận tiện và tiết kiệm được thời gian.
Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo khai thác bằng cách lập các tài khoản Facebook giả mạo, trao bán những thiết bị đồ điện tử dỏm, thậm chí không có thật để chiếm đoạt tài sản của người mua.
Mới đây, anh T.H.D (TP.HCM) mua một chiếc iphone 11 với giá 5,5 triệu đồng, thấp hơn cửa hàng 3 đến 4 triệu đồng của tài khoản V.H trên mạng xã hội. Dù kiểm tra kỹ lưỡng trước khi trả tiền, nhưng mới sử dụng được vài ngày, chiếc điện thoại đã bị hư màn hình.
Anh T.H.D cho biết: “Sau khi nhận được điện thoại, tôi thấy điện thoại có vấn đề nên mang ra tiệm để sửa, nhân viên bảo màn hình điện thoại bị thay thế linh kiện. Tôi liên hệ lại với bên bán thì được biết tài khoản đó là ảo và số điện thoại cũng đã bị khóa, tôi rất bức xúc nên đăng bài viết lên hội nhóm Facebook cảnh báo thì mới biết cũng có rất nhiều người gặp trường hợp giống tôi”.
Tương tự, trường hợp của chị N.T.B (TP.HCM) bị lừa mất tiền cọc 1 triệu đồng sau khi xem bài đăng của tài khoản B.M về việc bán máy ảnh Canon EOS 70d với giá 6 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Người bán hẹn tôi 11 giờ trưa qua quận 4 để xem máy nhưng sau đó người này báo lại là có việc đột xuất hẹn lại ngày khác và yêu cầu tôi đặt cọc 1 triệu đồng để giữ máy. Nếu xem máy không ưng sẽ hoàn trả lại tiền cọc. Ban đầu tôi không chấp nhận nhưng sau khi khảo giá thấy khá rẻ và trang cá nhân của người này hoạt động khá lâu nên tôi đã tin tưởng chuyển tiền. Đến đúng hẹn, tôi liên lạc lại không được”.
Bên cạnh hàng kém chất lượng, tinh vi hơn, dù không có hàng hóa nhưng nếu có người nhắn tin trao đổi việc mua hàng, các đối tượng xấu sẽ thông báo các ưu đãi như giá sản phẩm rẻ hơn thị trường, giảm giá tiền của sản phẩm, miễn phí tiền vận chuyển, đồng thời ứng dụng giao hàng nhanh, tạo các đơn chuyển hàng giả gửi cho người mua để người mua tin tưởng, chuyển tiền trước qua tài khoản ngân hàng của các đối tượng sau đó chặn mọi liên lạc.
ThS Phạm Đình Thắng (Trưởng Bộ môn An ninh mạng, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) cho biết: “Khi mua bán trên mạng xã hội, chúng ta đừng nên chuyển tiền trước, nếu hàng chất lượng, đúng người, đúng hàng thì nhận hàng xong chúng ta sẽ thanh toán, các vấn đề chuyển tiền trước sẽ có rủi ro. Theo tôi, nếu người mua bán đàng hoàng thì họ không sợ vấn đề chất lượng hàng của mình, nên việc thanh toán sau họ có thể chấp nhận được”.
Theo ghi nhận, các hội nhóm mua bán hàng hóa trên mạng xã hội Facebook thường có lượng người tham gia rất lớn, người dùng rất dễ được duyệt đăng bán sản phẩm ở các hội nhóm. Nhóm lừa đảo dùng những tài khoản lâu năm và đăng tải liên tục những đánh giá của người mua để tăng thêm độ tin cậy.
Luật sư Đàm Văn Hùng (Công ty Luật TNHH Lập Phương) cho biết: “Điều 15 Nghị định 144 quy định, đối với những hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng, trong trường hợp một tổ chức vi phạm thì mức xử phạt gấp đôi đối với cá nhân. Theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 2 tới dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng trong một số trường hợp luật định, bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp chiếm đoạt tài sản có trị giá trên 500 triệu đồng thì mức án cao nhất 20 năm hoặc tù chung thân”.
ThS Phạm Đình Thắng khuyên người dân: “Chúng ta cần trang bị những kỹ năng cá nhân khi mua hàng, chụp hình thông tin hình tài khoản hỏi trên nhóm cộng đồng xác minh rồi mới tiến hành giao dịch. Người tiêu dùng hãy cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, giá trị và giá cả của các sản phẩm, không nên nghe lời tư vấn từ các trang web hoặc các tài khoản chưa có độ xác minh cao.
Nếu chưa đảm bảo sự tin tưởng, chúng ta hãy tham khảo những người mua từ trước để xem sự đánh giá về sản phẩm đó như thế nào. Nếu trong trường hợp cảm thấy bị lừa đảo hoặc bị cạm bẫy của các đối tượng, hãy chủ động gọi các cơ quan chức năng hoặc liên hệ tới luật sư, các chuyên gia pháp lý để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất. Người dân nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân”.