Thứ hai, 01/07/2024, 12:03 (GMT+7)

Từ 1/7, vì sao chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang bầu, bất kể có thai với ai?

Từ 1/7, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nêu rõ: Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn; không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai. Quy định như vậy có thiệt thòi cho người chồng?

Kể từ 1/7/2024, 10 đạo luật sẽ có hiệu lực thi hành với hàng loạt chính sách mới, gồm: luật Các tổ chức tín dụng, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, luật Căn cước, luật Tài nguyên nước, luật Viễn thông, luật Giao dịch điện tử, luật Phòng thủ dân sự, luật Hợp tác xã, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và luật Giá.

Riêng với luật Các tổ chức tín dụng, khoản 3 điều 200 và khoản 15 điều 210 của luật này sẽ có hiệu lực trễ hơn, từ 1/8/2024.

Hình ảnh 89

Một trong những nội dung được quan tâm đó là từ 1/7, Nghị quyết số 01/2024 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình cũng sẽ có hiệu lực, An ninh Thủ đô đưa tin.

Theo hướng dẫn tại nghị quyết, chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con.

Nếu vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai. Nếu vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

Hướng dẫn này áp dụng với cả trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Tương tự, chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nhiều người cho rằng quy định như vậy khá "lạ lùng", nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Giai đoạn đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, cả người mẹ và đứa trẻ đều rất dễ bị tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, trong đó có việc ly hôn. Vì thế, quy định tại luật và hướng dẫn tại nghị quyết hướng tới hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Một số ý kiến thắc mắc nếu người vợ ngoại tình và mang thai với người khác mà người chồng không thể ly hôn, như vậy có phải quá thiệt thòi với người chồng?

Mục đích của quy định trên nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Hơn thế, quy định chỉ điều chỉnh trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi sinh con, sau thời điểm này, người chồng hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn.

Cũng có ý kiến băn khoăn rằng, trường hợp vợ mang thai với người không phải chồng mình tức là tình cảm đã không còn. Nếu chồng không được quyền ly hôn, cứ khiên cưỡng sống với nhau sẽ càng đau khổ hơn?

Nhiều vấn đề đặt ra, luật chỉ quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng chứ không hạn chế với người vợ. Tức là trong khoảng thời gian trên, nếu người vợ muốn ly hôn thì họ hoàn toàn có quyền đề nghị, tòa án không được quyền từ chối mà phải thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Cùng chuyên mục