Chiều nay, giá vàng miếng SJC giảm mạnh
Nếu như đầu ngày 21/3 giá vàng SJC tăng mạnh 600.000 đồng/lượng thì đến chiều lại giảm xuống còn 80,8 triệu đồng, "bốc hơi" cả triệu đồng chỉ sau vài tiếng.
Chiều nay, giá vàng SJC được nhà vàng niêm yết tại chiều mua vào 79,00 triệu đồng/lượng và chiều bán ra 81,02 triệu đồng/lượng. Giá vàng giảm tới 700.000 đồng/lượng mua vào và bán ra.
Giá vàng 9999 chiều nay được DOJI được niêm yết ở mức 79,00 triệu đồng/lượng mua vào và 81,00 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng điều chỉnh giảm đồng loạt 600.000 đồng/lượng ở hai chiều mua – bán.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 78,80 – 80,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng được điều chỉnh giảm 950.000 đồng/lượng mua vào và giảm 750.000 đồng/lượng bán ra. Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 78,80 – 81,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng điều chỉnh giảm 950.000 đồng/lượng mua vào và giảm 350.000 đồng/lượng bán ra.
Trong khi giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại chỉ giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng về 68,6 triệu đồng/lượng mua vào, 69,9 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng miếng SJC lao dốc trong bối cảnh giá vàng thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao trên 2.200 USD/ounce.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 66,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3,7 triệu đồng/lượng trong khi thấp hơn vàng SJC khoảng 15 triệu đồng.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết giá vàng miếng SJC bắt đầu giảm mạnh vào cuối buổi sáng sau thông tin Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng; thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Được biết trước đó tối 20/3, tại cuộp họp với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết cơ quan này sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.