Cần thường xuyên vệ sinh 3 bộ phận này trong nồi cơm điện
Nồi cơm điện sau khi sử dụng một thời gian sẽ bị bẩn và xảy ra hiện tượng nấu cơm quá lâu so với thời gian đầu, khiến cơm không ngon. Tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ dẫn đến nồi cơm điện làm việc kém hiệu quả và gây mất an toàn thực phẩm.
Những vị trí sau đây được cho là bẩn nhất trong nồi cơm điện mà bạn nên vệ sinh thường xuyên.
Nắp trong nồi cơm điện
Nắp trong của nồi cơm điện là nơi hơi nóng từ nước nấu cơm sẽ bay trực tiếp vào, dần dần đóng thành cặn bẩn. Nắp này thường có vòng cao su bao quanh nên nên các vết bẩn càng dễ bị giấu đi hơn.
Dần dần, những chất cặn bã này sẽ lên men và sinh sôi vi khuẩn nên lần sau khi nấu cơm, những vi khuẩn này sẽ rơi vào gạo. Do đó, bạn không nên bỏ qua việc vệ sinh vị trí này. Nếu nắp trong của nồi cơm điện được cố định bằng một miếng đệm cao su thì bạn thể kéo nhẹ nó ra để lau chùi dễ dàng. Nếu nắp được cố định bằng vít, hãy rửa bằng nước sạch sau khi tháo vít và lau khô bằng vải.
Van thoát khí
Van thoát khí thường nằm phía trên nắp nồi cơm điện và có thể tháo rời. Quá trình nấu cơm sẽ sinh ra nhiều hơi nước, chúng thoát ra ngoài thông qua van xả, đồng thời giữ lại vitamin và dưỡng chất trong hạt gạo. Có rất nhiều vết cặn cơm trong khe hở của van thoát khí bởi khi cơm sôi để xả khí, một ít nước sẽ tràn ra ngoài. Thậm chí, nếu nấu cháo bằng nồi cơm điện, một số hạt gạo sẽ tràn ra khiến van rất bẩn.
Nếu không vệ sinh thường xuyên, các mảng bám sẽ hình thành tại van thoát khí khiến lỗ thông hơi bị bịt kín. Từ đó thời gian nấu cơm cũng tăng lên, gây tốn điện năng. Do đó, bạn nên thường xuyên tháo van ra và vệ sinh. Bạn chỉ cần tráng lại bằng nước sạch, còn một số kẽ hở không thể làm sạch được có thể dùng bàn chải đánh răng sạch để chải rồi dùng khăn lau khô lại.
Mâm nhiệt
Khi nhấc xoong nấu cơm lên, bạn sẽ thấy phần cung tròn ở đáy nồi cơm điện gọi là mâm nhiệt. Đây là bộ phận quan trọng quyết định tuổi thọ của nồi cũng như chất lượng cơm nấu nhưng nhiều người thường bỏ qua khi vệ sinh nồi cơm điện. Nếu không được làm sạch, mâm nhiệt sẽ bị ố vàng, dễ bị dính cơm, bụi bẩn, gỉ sét... ảnh hưởng đến tác dụng dẫn nhiệt nên gây tiêu hao điện năng và hiệu quả nấu cơm cũng không ngon.
Để vệ sinh mâm nhiệt, bạn có thể sử dụng một ít kem đánh răng thoa lên bề mặt sau đó dùng bàn chải thật mềm hoặc khăn lau thật sạch. Nếu vẫn còn bụi bẩn, bạn có thể thực hiện lại lần nữa. Chú ý thật nhẹ tay khi vệ sinh bộ phận này.