Thứ bảy, 10/05/2025
logo
Xu hướng thị trường

Cà phê Tây Nguyên và cuộc cách mạng công nghệ trên nương rẫy

VIÊN VIÊN Thứ bảy, 10/05/2025, 08:34 (GMT+7)

Canh tác cà phê thông minh giúp nông dân tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và đáp ứng yêu cầu bền vững của thị trường xuất khẩu quốc tế.

Hướng dẫn người dân tham gia BHXH, BHYT qua Cổng Dịch vụ công và Ứng dụng ngân hàng

Ca sĩ, nghệ sĩ từ chương trình “Anh trai say Hi” sẽ có mặt tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển Khánh Hòa

Giá điện tăng 4,8%, lên trên 2.204 đồng/kWh từ ngày mai

Cà phê Tây Nguyên trước áp lực biến đổi khí hậu: Cần liên kết để phát triển bền vững

Tại Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo” do UBND huyện Ea H’leo phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đã cùng phân tích những thách thức mà ngành cà phê đang đối mặt, đồng thời đưa ra định hướng cho phát triển bền vững trong tương lai.

Theo TS Trương Hồng – chuyên gia thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền – Tây Nguyên tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất cà phê của cả nước. Tính đến năm 2024, khu vực này chiếm tới 92% tổng diện tích và đóng góp hơn 90% sản lượng cà phê của Việt Nam, với khoảng 640.000 ha, trong đó Đắk Lắk dẫn đầu với khoảng 212.000 ha.

Tuy nhiên, ông Hồng cảnh báo rằng ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết ngày càng bất thường – nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa và khô hạn cục bộ – tác động tiêu cực đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng cà phê. Cây ra hoa kém, đậu quả không đều, trong khi sâu bệnh phát sinh mạnh hơn, buộc người dân phải tăng chi phí chăm sóc, bảo vệ thực vật.

e964dfdce94d5b13025c
Canh tác cà phê thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Không chỉ đối mặt với khí hậu khắc nghiệt, hệ sinh thái đất trồng cà phê sau nhiều năm canh tác cường độ cao cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông Hồng cho biết, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đã phá vỡ cấu trúc đất và hệ vi sinh, khiến pH đất giảm mạnh – có tới 80% mẫu đất đo được có pHKCl dưới 4. Hiệu quả sử dụng phân bón giảm sút, buộc nông dân phải tăng liều lượng, dẫn đến chi phí sản xuất cao và lợi nhuận giảm.

Đáng chú ý, phần lớn người trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện vẫn sản xuất nhỏ lẻ, ít liên kết, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Điều này khiến họ gặp khó khăn khi tiếp cận các thị trường lớn với yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn môi trường và đạo đức – như Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. Các chứng nhận bền vững như Fair Trade hay Rainforest Alliance vì vậy cũng khó đạt được.

1677725605130-2259

Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng liên kết là yếu tố sống còn để phát triển cà phê bền vững. Bí thư Huyện ủy Ea H’leo, ông Nguyễn Văn Hà, nhận định: “Ea H’leo có lợi thế với các vùng chuyên canh cà phê đã được cấp chứng nhận, nhưng để nâng cao giá trị gia tăng và ổn định đầu ra, cần tổ chức lại sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác”.

Đồng quan điểm, ông Bùi Đức Thiện – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đắk Lắk – cho biết 90% diện tích cà phê trong tỉnh hiện vẫn do người dân tự trồng và quản lý, mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Chỉ khoảng 10% được sản xuất theo vùng chuyên canh có tổ chức, do doanh nghiệp quản lý. Đây là rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó, ông Thiện đề xuất các cấp chính quyền cần đẩy mạnh phối hợp để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã. Đồng thời, cần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định để nâng cao giá trị cà phê Ea H’leo nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Đại diện cho mô hình liên kết hiệu quả, ông Huỳnh Trần Chốn – Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Eanam – cho biết, đơn vị này đang xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa người trồng cà phê và đơn vị tiêu thụ, hướng đến sản xuất đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng ổn định và giá bán bền vững. “Liên kết là chìa khóa giúp người dân yên tâm gắn bó với cây cà phê. Khi có đầu ra ổn định, người dân sẽ yên tâm đầu tư và cải thiện chất lượng”, ông Chốn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh sản lượng cà phê sụt giảm do khí hậu, phân bón giả tràn lan và xu hướng chuyển đổi cây trồng, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị trở nên cấp thiết. Đây là con đường phù hợp giúp cà phê Ea H’leo – và rộng hơn là cà phê Việt Nam – tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.

Canh tác cà phê thông minh – Hướng đi bắt buộc trong kỷ nguyên nông nghiệp số

Trước sức ép ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và các quy định khắt khe từ thị trường xuất khẩu như châu Âu và Mỹ, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển mình. Theo ông Trương Hồng – chuyên gia nông nghiệp, mô hình Canh tác cà phê thông minh (Smart Coffee Farming – SCF) không còn là xu hướng, mà đã trở thành giải pháp sống còn giúp cà phê Việt giữ vững vị thế trên bản đồ thế giới.

Theo TS Trương Hồng, nếu như trước đây, người trồng cà phê chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và quy trình truyền thống, thì SCF mở ra một lối đi hoàn toàn khác. Từng khâu – từ chọn giống, tưới tiêu, bón phân cho đến thu hoạch và truy xuất nguồn gốc – đều được hỗ trợ bởi các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống cảm biến thông minh.

c8dc80bfc32f7171283e-2247
Nông dân tìm hiểu các loại phân bón cho cây cà phê. 

SCF không chỉ là ứng dụng công nghệ đơn thuần mà còn là sự thích ứng linh hoạt với các biến động về thời tiết, thị trường và chính sách quốc tế. Trong bối cảnh các quy định như EUDR của Liên minh châu Âu – yêu cầu sản phẩm không liên quan đến phá rừng và phát thải carbon – bắt đầu có hiệu lực, việc chuyển sang canh tác thông minh là điều tất yếu để cà phê Việt không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một trong những bước nền tảng trong SCF là lựa chọn giống phù hợp. Các giống như TRS1, TR4, TR9, TR14, TR15 không chỉ cho năng suất cao mà còn có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với khí hậu biến đổi. SCF cũng khuyến khích đa dạng hóa sinh học bằng cách trồng xen cây che bóng, cây dược liệu và xây dựng đai rừng chắn gió – vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao thu nhập.

Về dinh dưỡng, thay vì bón phân theo thói quen, nông dân sẽ phân tích độ phì nhiêu của đất định kỳ 4–5 năm/lần để đưa ra công thức bón phân chính xác. Việc kết hợp phân hữu cơ và phân hóa học không chỉ giúp cải thiện đất mà còn tiết kiệm chi phí từ 5–15%, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón lên 5–20%.

SCF cũng khuyến cáo tưới nước theo nhu cầu thực tế của cây, dựa trên các thiết bị đo độ ẩm đất và hệ thống tưới tiết kiệm. Khi có điều kiện, người dân có thể đầu tư hệ thống tưới tự động kết nối IoT – giúp cây được chăm sóc đúng lúc, đúng lượng và tiết kiệm nguồn nước quý giá.

Mô hình SCF áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp IPHM – kết hợp yếu tố đất, nước, sinh vật có ích, thời tiết và quản lý sâu bệnh tổng thể. Việc hạn chế tối đa hóa chất và ưu tiên các chế phẩm sinh học giúp duy trì sự đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các hệ thống cảm biến thông minh có thể đo lường nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ dinh dưỡng đất theo thời gian thực và truyền về điện thoại thông minh của người nông dân. Từ đó, việc chăm sóc cây trồng được quyết định dựa trên dữ liệu khoa học thay vì cảm tính như trước kia.

AI và Big Data giúp xử lý lượng lớn dữ liệu để dự báo tình hình sâu bệnh, khí hậu, năng suất, thời điểm thu hoạch... Từ đó, người trồng cà phê có thể lập kế hoạch tưới tiêu, cải tạo đất và bón phân hợp lý, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro.

Máy bay không người lái và robot cũng đang được đưa vào thực tế để giám sát vườn cây, phun chế phẩm sinh học, thậm chí thu hoạch tự động – đặc biệt hữu ích trong các trang trại quy mô lớn hoặc khu vực thiếu lao động.

Mục tiêu cuối cùng của SCF không chỉ là gia tăng năng suất hay chất lượng hạt cà phê, mà còn là tạo nên một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.  

Trong kỷ nguyên mà “nông nghiệp số” và “kinh tế xanh” trở thành xu hướng tất yếu, SCF không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc nếu Việt Nam muốn tiếp tục là cường quốc xuất khẩu cà phê. Việc đầu tư cho canh tác cà phê thông minh hôm nay không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà là chiến lược dài hạn để ngành cà phê Việt phát triển bền vững trong tương lai.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục