Bản đồ ngành chip đang được 'vẽ lại', cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua công nghệ bán dẫn toàn cầu?
Bản đồ ngành chip toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, mở ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng chỉ trong 3-5 năm tới. Việt Nam cần tận dụng tốt thời gian ngắn ngủi này – Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ của Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) ở TP.HCM.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành điểm nóng trong cuộc đua toàn cầu, thu hút sự quan tâm và đầu tư lớn từ các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, cuộc cạnh tranh này đã thúc đẩy ba làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng bán dẫn.
Làn sóng thứ nhất bắt đầu với việc sản xuất bán dẫn từ Mỹ chuyển sang Nhật Bản và châu Âu. Sau đó, các quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Trung Quốc nổi lên như trung tâm sản xuất trong làn sóng thứ hai. Hiện tại, thế giới đang chứng kiến làn sóng thứ ba, nơi các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không ngừng đầu tư, phát triển công nghệ và xây dựng chiến lược dài hạn.
Theo Tiến sĩ Thành, việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip (fab) đã làm gia tăng nhu cầu nhân lực kỹ thuật, nguyên vật liệu và cơ sở đóng gói, kiểm thử chip (ATP). Ông nhận định, trong thời gian tới, các quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này, trong khi các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cao cấp vẫn tập trung tại Mỹ và châu Âu.
“Xây dựng ngành bán dẫn có thể mất đến 10 hoặc 20 năm. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, Tiến sĩ Thành nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, nguồn nhân lực kỹ thuật cao và chương trình đào tạo chuẩn quốc tế là yếu tố quyết định.
Việt Nam hiện đang sở hữu nhiều lợi thế. Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đồng thời, các bộ ngành đang xây dựng các chính sách đồng bộ để hỗ trợ phát triển ngành. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng, Việt Nam cần khắc phục một số thách thức lớn, bao gồm chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo nguồn năng lượng ổn định và thân thiện với môi trường. Chuỗi giá trị của ngành bán dẫn đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ từ thiết kế, sản xuất đến ứng dụng.
Hiện tại, doanh thu từ kiểm thử và đóng gói chip xuất khẩu sang Mỹ đạt 4-5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xuất hiện ở khâu sản xuất. Đây là một hạn chế lớn nếu Việt Nam muốn gia nhập "bản đồ" bán dẫn toàn cầu.
Theo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, mục tiêu giai đoạn 2024-2030 là đào tạo hơn 50.000 kỹ sư cho ngành. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin cụ thể về tỷ lệ kỹ sư có việc làm trong ngành, điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi và hiệu quả của chiến lược.
Tiến sĩ Thành cho biết, việc thành lập Ban chỉ đạo bán dẫn Quốc gia là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự sẵn sàng tham gia của Việt Nam vào thị trường bán dẫn toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bắt đầu nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến tiềm năng.
Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết. Các chính sách cần định hình rõ trọng tâm, chẳng hạn như đầu tư vào những khía cạnh cụ thể của ngành và dự đoán hiệu quả đầu tư. Chính sách khuyến khích cần mang tính đột phá, với các thí điểm mạnh mẽ thay vì dàn trải theo cách tiếp cận chung về khoa học và công nghệ.
Nguồn nhân lực là yếu tố mấu chốt. Việt Nam không chỉ cần đội ngũ tham gia sản xuất trực tiếp mà còn cần lực lượng đảm nhận vai trò đào tạo và nghiên cứu. Đây là nền tảng để phát triển bền vững ngành bán dẫn.
Ngoài ra, hạ tầng năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cần được ưu tiên đầu tư. Các đối tác nước ngoài yêu cầu nguồn năng lượng ổn định và thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của ngành bán dẫn mà còn phù hợp với cam kết của Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050, góp phần nâng cao sức hút của quốc gia trên thị trường quốc tế.
Bức tranh ngành bán dẫn toàn cầu
Theo The Economic Times, sáu trung tâm lớn của ngành chip – Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan – hiện chi phối phần lớn thị trường. Tuy nhiên, một quốc gia mới đang nổi lên với tham vọng giành lấy cơ hội trong bức tranh này: Ấn Độ.
Năm 2021, Chính phủ Ấn Độ thành lập Ủy ban Sứ mệnh Bán dẫn Ấn Độ (ISM), đầu tư 10 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Sáng kiến này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, với các lĩnh vực ưu tiên gồm sản xuất fab, lắp ráp, kiểm nghiệm và tấm nền màn hình.
Những nỗ lực này đã thu hút đầu tư lớn từ các tập đoàn quốc tế như Micron Technology (Mỹ): 8,25 tỷ USD xây dựng cơ sở kiểm nghiệm chip.Tata Electronics đã chi hơn 14 tỷ USD cho nhà máy sản xuất và cơ sở lắp ráp tại Gujarat và Assam. Kaynes Semicon được cấp phép xây dựng nhà máy trị giá 395 triệu USD tại Gujarat.
Đến nay, tổng vốn đầu tư vào ngành chip tại Ấn Độ đã đạt 18 tỷ USD. Ông Rajeev Chandrasekhar, nguyên Quốc vụ khanh Ấn Độ, chia sẻ rằng “đầu tư vào nhân lực và tài chính là chìa khóa giúp Ấn Độ nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong ngành bán dẫn”.
Trong cuộc đua toàn cầu, Trung Quốc hiện là trung tâm sản xuất và tiêu thụ chip lớn nhất, chiếm 25% công suất và 30% thị phần lắp ráp, kiểm thử và đóng gói. Tuy nhiên, chỉ 7% doanh thu toàn cầu đến từ các doanh nghiệp nội địa, trong khi các công ty Mỹ chiếm 52%.
Dù đã đầu tư mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể – như việc tiêu thụ 18,1 tỷ USD thiết bị chế tạo bán dẫn vào năm 2020 – Trung Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, với giá trị nhập khẩu chất bán dẫn năm 2020 vượt 233 tỷ USD. Điều này phản ánh sự chênh lệch lớn giữa tiềm năng sản xuất và khả năng tự chủ công nghệ.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo cơ hội cho các quốc gia mới nổi. Với hơn 1.000 bước trong quy trình chế tạo chip, hơn 400 nguyên liệu và chuỗi giá trị trải dài trên 70 quốc gia, ngành bán dẫn mang lại cơ hội lớn cho những nước có chiến lược phát triển đúng đắn.
Việt Nam, với nguồn nhân lực dồi dào và tiềm năng phát triển, được đánh giá là một mắt xích tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành nhận định:“Chiến lược phát triển ngành bán dẫn không nên chỉ tập trung vào cơ sở vật chất, mà cần hướng đến giá trị gia tăng. Nhà nước nên đóng vai trò như nhà đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu để họ có thể cạnh tranh quốc tế".
Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy, sự kết hợp giữa đầu tư tài chính và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Việc thu hút các tập đoàn lớn như Micron hay Tata không chỉ mang lại vốn đầu tư mà còn giúp Ấn Độ xây dựng hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh.
Đối với Việt Nam, thời gian để tận dụng cơ hội chỉ kéo dài từ 3 đến 5 năm. Nếu chậm chân, quốc gia sẽ phải chờ rất lâu để tham gia vào cuộc đua chiến lược này. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm và định hướng chính sách rõ ràng hơn, từ việc phát triển nhân lực, nâng cấp hạ tầng đến việc kết nối chặt chẽ các khâu trong chuỗi giá trị.
Cuộc đua bán dẫn toàn cầu không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là cuộc cạnh tranh để định hình vị thế của các quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ mới.