Bài 2: Doanh nghiệp Việt sẵn sàng 'chia' miếng bánh 274 tỷ USD
“Đại công trường” đường sắt trong hai thập kỷ tới không chỉ là bước nhảy trong kết cấu hạ tầng đất nước mà còn mở ra cơ hội đầu tư rất lớn cho các doanh nghiệp Việt.
Bài 1: 'Miếng bánh' 274 tỷ USD, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Với tổng mức đầu tư mỗi dự án từ vài tỷ đô đến hàng chục tỷ đô la, các công trình đường sắt sẽ là những “miếng bánh” hấp dẫn mà các doanh nghiệp Việt sẵn sàng cạnh tranh để “chia phần”.
Sau những phát biểu kêu gọi của lãnh đạo Chính phủ về việc phát huy nội lực, phát triển công nghiệp đường sắt và tăng cường vai trò của doanh nghiệp Việt trong các dự án hạ tầng chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã có những bước chuyển động tích cực.
Từ cam kết tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho đến việc đầu tư nhà máy, nâng cấp công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực – các doanh nghiệp lớn trong nước đang cho thấy sự chuẩn bị ngày một rõ nét để nắm bắt cơ hội từ “đại công trường đường sắt” có mức đầu tư dự kiến lên tới 274 tỷ USD từ đây đến 2050.

Không còn là những tuyên bố mang tính hưởng ứng, một số doanh nghiệp đã bắt đầu hành động cụ thể, thể hiện quyết tâm để cạnh tranh giành những “chiếc bánh” hàng chục tỷ USD, đặc biệt là đại dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Hòa Phát “xuất phát sớm”
“Đây là cơ hội cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã tuyên bố vậy từ rất sớm khi bày tỏ quyết tâm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thép ray.
Ông Long nhiều lần nhấn mạnh “cam kết sẽ cung cấp đủ 10 triệu tấn thép đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá thành cạnh tranh hơn thép nhập khẩu”.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hòa Phát đã tích cực nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm thép ray - loại vật liệu chủ chốt cho hạ tầng đường sắt cao tốc.
Từ tháng 10 và 11/2024, đích thân ông Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã sang châu Âu để khảo sát các nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu, tìm hiểu quy trình sản xuất và phân cấp chất lượng.
Mới đây nhất, Hòa Phát đã chính thức ký kết hợp đồng mua dây chuyền đúc và cán thép công suất 500.000 tấn/năm.
Theo tiến độ, dự kiến Quý 3/2026 dây chuyền cán có thể cung cấp những sản phẩm đầu tiên và Quý 4/2026 đưa dây chuyền đúc đi vào hoạt động.

Tại đại hội cổ đông ngày 17/4, tỷ phú Long nói Hòa Phát sẽ không chỉ tham gia vào dự án tàu cao tốc Bắc - Nam mà muốn đóng góp vào tất cả dự án trọng điểm của ngành đường sắt.
"Công ty sẽ cung cấp sắt, thép để làm đường ray, ga tàu, hầm chui... Đây là nhiệm vụ đất nước giao nên sẽ làm. Chúng tôi sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất thép ray với tổng vốn 14.000 tỷ đồng", ông khẳng định và thông tin rằng, nhà máy có thể khởi công vào tháng 5 tới và đến năm 2027 sẽ có sản phẩm đầu tiên.
Kế hoạch lớn của Vingroup
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tuần qua đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về đề xuất đầu tư xây dựng dự án tuyến đường sắt chở khách Hà Nội – Quảng Ninh của Tập đoàn Vingroup.
Theo đề xuất của Vingroup, đây là tuyến đường sắt chở khách du lịch, có chiều dài khoảng 121km, với vận tốc thiết kế tối đa 300 km/h.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư để thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới đường sắt trên hành lang Hà Nội – Quảng Ninh trong bối cảnh thay đổi về phát triển kinh tế-xã hội, kỹ thuật, công nghệ; xem xét, tính toán, lựa chọn hướng tuyến phù hợp nhằm tối ưu hóa các mục tiêu, hiệu quả đầu tư của Nhà nước, tư nhân.
Nhà đầu tư cần làm rõ đề xuất hướng tuyến, các công trình hạ tầng, phương thức đầu tư và cơ chế, chính sách đi kèm để khai thác, phát triển hạ tầng, đô thị thương mại, dịch vụ dọc tuyến dự án (TOD)…

Hồi tháng trước, Vingroup cũng đã đề nghị được làm tuyến đường sắt tốc độ cao dài khoảng 48km từ trung tâm TP HCM đi Cần Giờ. Theo đó, dự án có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm/đường, đi trên cao, thiết kế với tốc độ 250km/h.
FECON dồn lực cho hạ tầng nền móng
FECON, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực xử lý nền móng và công trình ngầm, cũng không giấu tham vọng góp mặt ở các hạng mục kỹ thuật phức tạp của dự án đường sắt tốc độ cao.
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa khẳng định: “Đường sắt cao tốc đòi hỏi độ ổn định và chính xác tuyệt đối, nhất là xử lý nền móng không được phép lún. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của FECON”.
Doanh nghiệp này đã ký kết hợp tác với Đại học Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Thăng Long để đào tạo nhân lực và nghiên cứu công nghệ đường sắt. Ngoài ra, FECON chủ động mở rộng hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc nhằm cập nhật kỹ thuật và tiêu chuẩn thi công tiên tiến.
Từ nhiều năm qua, FECON đã đưa kỹ sư sang nước ngoài để “làm thuê học nghề”. Với tuyến metro số 3 Hà Nội, FECON là nhà thầu phụ của liên danh Hyundai-Ghella, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong thi công kết cấu dưới ray và hạ tầng ngầm.
Đèo Cả chuẩn hóa nguồn nhân lực ngành đường sắt
Tập đoàn Đèo Cả đang đầu tư mạnh vào nguồn lực nhân sự và công nghệ phục vụ đường sắt. Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Huy cho biết tập đoàn đã phối hợp với các trường đại học để mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư đường sắt - metro, khai giảng các khóa đào tạo cho 200 kỹ sư và hàng trăm công nhân.
Không chỉ đào tạo trong nước, Đèo Cả còn cử đoàn sang các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản để học hỏi mô hình đào tạo và triển khai dự án đường sắt cao tốc. Doanh nghiệp cũng chủ trương "nhập khẩu" chương trình đào tạo và mời chuyên gia quốc tế đến hỗ trợ trực tiếp.
Về công nghệ, Đèo Cả đang xúc tiến hợp tác với các đối tác đến từ Nhật Bản, Trung Quốc trong việc chuyển giao công nghệ, giải pháp kỹ thuật, đồng thời nghiên cứu “bản địa hóa” công nghệ cho phù hợp điều kiện tại Việt Nam.
Thaco tham gia sâu vào khâu sản xuất toa tàu
Là doanh nghiệp được lãnh đạo Chính phủ khuyến khích tham gia sản xuất toa tàu, đầu máy cho tuyến đường sắt cao tốc, Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương khẳng định sẽ tận dụng thế mạnh sẵn có về kỹ thuật, công nghệ và chuỗi sản xuất để chủ động tham gia, giảm giá thành và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thaco cam kết liên kết với doanh nghiệp nội để đặt hàng thép chế tạo theo tiêu chuẩn kỹ thuật riêng biệt cho các toa tàu.
Với trình độ sản xuất, nguồn lực hàng đầu, Thaco được kỳ vọng sẽ dẫn dắt, kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để tạo ra một hệ sinh thái cho công nghiệp đường sắt.
Cienco4, TEDI, Trường Sơn, Gelex... cũng sẵn sàng
Là đơn vị từng tham gia các tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, Cát Linh – Hà Đông, đại diện Cienco4 cho biết đã có sự chuẩn bị toàn diện về nhân sự và công nghệ để tham gia hầu hết các hạng mục của dự án. Công ty có mạng lưới đối tác quốc tế hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết.
Trong khi đó, “ông kẹ” trong ngành tư vấn thiết kế là TEDI cũng đã chuẩn bị lực lượng hơn nửa thập kỷ qua, khi phối hợp cùng Đại học GTVT mở lớp kỹ sư chuyên ngành, đồng thời xây dựng nhóm chuyên môn cho từng lĩnh vực như hạ tầng, phương tiện, thiết bị, vận hành...
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại, hợp tác với Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc để đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm thi công đường sắt tốc độ cao. Đơn vị cũng ký kết hợp tác toàn diện với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhằm tăng cường liên kết triển khai dự án.
Gelex Electric (GEE) và công ty con Cadivi đang tích cực xây dựng năng lực sản xuất cáp ngầm phục vụ đường sắt cao tốc – lĩnh vực hiện chưa từng có doanh nghiệp nội nào thực hiện. Các đối tác quốc tế đã đánh giá năng lực sản xuất của Cadivi là đủ điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ.
Bài 3: Hình thành những tập đoàn lớn để làm chủ công nghiệp đường sắt