'Miếng bánh' 274 tỷ USD, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
"Đại công trường” đường sắt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ước tính có quy mô từ nay đến 2050 lên tới khoảng 274 tỷ USD. Liệu các doanh nghiệp nội có tận dụng được cơ hội này để vươn lên.
LTS: Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt đến năm 2050 khoảng 274 tỷ USD, hai thập kỷ tới, đại công trường đường sắt liệu có là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt vươn lên, làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt? Làm sao để doanh nghiệp nội chiếm được “phần ngọt” của miếng bánh? Các công ty trong nước cần làm gì để Nhà nước tin trưởng trao cơ hội?
Tuyến bài của Tiếp Thị và Gia Đình hy vọng góp thêm góc nhìn để bạn đọc, cơ quan quản lý có cái nhìn đa chiều hơn về năng lực của các doanh nghiệp Việt, cũng như đề xuất những giải pháp để các công ty nội có thể tận dụng thời cơ này nhằm vươn lên, đóng góp thiết thực vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2023, các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã xác định đường sắt là lĩnh vực vận tải cần ưu tiên.
Việc phát triển đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt liên vận quốc tế…
Theo ước tính sơ bộ của ngành đường sắt, đến năm 2050, định hướng các hoạt động cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường sắt ước đạt giá trị khoảng 274 tỷ USD.
Trong đó, 5 tỷ USD cho cải tạo đường sắt hiện hữu; 31 tỷ USD cho xây mới đường sắt quốc gia tốc độ 160km/h; 68 tỷ USD xây mới đường sắt cao tốc (350km/h) và 170 tỷ USD cho xây dựng đường sắt đô thị.
Đường sắt hiện có với 85% đang là khổ đường 1.000mm. Dự kiến sẽ cải tạo, nâng cấp với khối lượng khoảng 2.440km tuyến chính; khoảng 300 ga.
Đường sắt quốc gia xây mới (khổ 1.435mm, tốc độ thường là 160km/h): Khối lượng dự kiến khoảng 2.417km đường sắt chính tuyến; khoảng 240 ga. Tổng mức đầu tư khoảng 31 tỷ USD.
Trong số này, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công trong năm nay và phấn đấu hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.
Dự án có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390km, các tuyến nhánh khoảng 27,9km; điểm đầu tại vị trí nối ray biên giới Việt - Trung, kết thúc tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua 9 tỉnh/thành phố; giai đoạn I đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi với tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD.
Đường sắt tốc độ cao: Khoảng 1.541km đường sắt chính tuyến; 23 ga khách (dự phòng 5 ga hàng). Tổng mức đầu tư gần 68 tỷ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành.
Dự án được đầu tư mới với khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng mới đây yêu cầu Bộ Xây dựng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để khởi công vào cuối năm 2026.
Đường sắt đô thị cả nước: Khoảng 1.672km; khoảng 2.700 ga. Trong đó riêng Hà Nội và TP.HCM khoảng 512km, 600 ga sẽ phấn đấu triển khai đầu tư xây dựng sớm trước 2040.
Tổng mức đầu tư xây dựng đường sắt đô thị cả nước ước khoảng 170 tỷ USD, trong đó Hà Nội và TP.HCM là khoảng 55 tỷ USD (có thể tăng lên khoảng 90 tỷ USD).
Mục tiêu cụ thể: Thành phố Hà Nội: đến năm 2035 hoàn thành khoảng 410km; đến năm 2045, hoàn thành thêm khoảng 200km. TP.HCM: đến năm 2035 hoàn thành khoảng 355km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 155km.
Theo các chuyên gia, miếng bánh hàng trăm tỷ USD này là "thời cơ vàng" để chúng ta từng bước làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt, nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam.
Bài sau: Miếng bánh 274 tỷ USD - Doanh nghiệp Việt sẵn sàng để 'chia phần'