10 sai lầm khi thiết kế nội thất khiến ngôi nhà kém thoải mái, ấm cúng
Dưới đây là một số sai lầm điển hình trong bài trí không gian sống nhiều người mắc phải.
1. Không đo đạc trước khi chọn thiết bị
Mua sắm xoong nồi, lò nướng, lò vi sóng,... mà không đo đạc trước có thể khiến thiết bị không vừa với không gian phòng bếp và gây vướng, cản trở.
Giải pháp đơn giản là trước khi chọn thiết bị, bạn nên đo đạc và chú ý cách bài trí phòng bếp để có thể sắp xếp các thiết bị cho hợp lý.
2. Chỉ có một nguồn sáng
Chỉ có một nguồn sáng là không đủ để làm sáng toàn bộ căn phòng. Bạn nên có nhiều loại đèn ở các độ cao khác nhau như đèn bàn, đèn trần, đèn gắn tường. Nên chọn bóng đèn có màu trắng, dịu.
3. Mua tất cả nội thất cùng một nơi
Việc này cũng tương tự như bạn mua nguyên bộ trang phục mà ma-nơ-canh đang mặc. Lựa chọn này có vẻ tốt nhưng sẽ làm hỏng hoàn toàn không gian của bạn.
Các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung đồ đạc và trang trí dần dần.
Một căn phòng hay ngôi nhà nên phát triển dần theo thời gian và các món đồ có ý nghĩa sẽ từ từ được thêm vào.
Điều này sẽ khiến ngôi nhà bạn trông ngăn nắp hơn.
4. Mua nhiều vật trang trí nhỏ, rẻ tiền, lộn xộn
Nhiều người thường mua những món đồ nội thất nhỏ, rẻ tiền để không phải đầu tư một khoản lớn như là một chiếc sô pha đẹp hoặc một tác phẩm nghệ thuật đắt tiền.
Song đến cuối cùng, những món đồ nhỏ nhặt và rẻ tiền sẽ chỉ khiến bạn tốn kém và khiến căn nhà trông lộn xộn hơn thay vì ấm cúng.
Các chuyên gia thiết kế nội thất khuyên bạn nên mua những món đồ đa chức năng, ví dụ bàn làm việc kết hợp tủ đầu giường, ghế xoay phòng khách có thể xem TV hoặc ngắm cảnh ngoài cửa sổ.
Mặc dù mua được ít đồ đạc hơn nhưng sẽ dùng được lâu và bền hơn.
5. Giường cho con quá cao
Giường cho trẻ nhỏ nên được bố trí sao cho trẻ có thể trèo lên xuống dễ dàng mà không cần người lớn giúp.
Sắp xếp phòng cho trẻ hợp lý không chỉ là để an toàn mà còn giúp trẻ tự lập hơn và học hỏi nhanh hơn.
6. Sắp xếp đồ đạc phòng bếp không phù hợp
Một "nỗi đau" mà có lẽ nhiều người từng gặp là đập đầu vào bề mặt hoặc cánh cửa tủ bếp trên đầu.
Theo các chuyên gia thiết kế nội thất, điều này xảy ra là do việc đo chiều sâu và chiều rộng của tủ bếp không chính xác.
7. Chiều cao mặt bàn bếp không hợp lý
Chiều cao mặt bàn bếp quá cao hoặc quá thấp với người dùng sẽ dẫn tới đau lưng, mỏi vai, mỏi cổ khi nấu nướng.
Các chuyên gia khuyên bạn nên tính toán chiều cao phù hợp trước khi lắp đặt mặt bàn bếp.
Nếu bạn đã gặp sự cố này, có 2 giải pháp tạm thời: nếu bàn bếp quá thấp, hãy lót tấm thớt lên. Nếu bàn bếp quá cao, hãy đứng trên một chiếc ghế chắc chắn.
8. Chọn backsplash có họa tiết rườm rà
Backsplash chính là phần phía sau bồn rửa hoặc bếp. Bề mặt này dùng để bảo vệ không cho dầu mỡ dính trực tiếp lên tường. Người ta còn gọi backsplash là tấm chắn nhà bếp.
Nếu bạn chọn backsplash có họa tiết rườm rà thay cho backsplash đơn giản thì sau một thời gian sử dụng, nó sẽ trở nên xấu xí hơn.
Không chỉ khó làm sạch mà khi bạn muốn cải tạo nội thất, bạn sẽ phải thay đổi kiểu dáng gạch ốp hoặc thay mới toàn bộ.
Ngoài ra, backsplash có họa tiết rườm rà sẽ khiến nhà bếp trông nặng nề hơn. Bạn nên sử dụng tông màu đồng nhất cho gạch ốp tường hoặc chọn loại gạch có màu sắc phù hợp với bàn bếp.
9. Không sử dụng tối đa không gian trên tường
Đối với một căn bếp nhỏ thì mọi khoảng trống đều có giá trị. Lắp tủ bếp sát trần có là giải pháp giúp bạn tối đa hóa không gian cất trữ đồ đạc đối với những căn bếp nhỏ.
Nếu bạn không thích bức tường toàn tủ bếp đóng kín thì bạn có thể kết hợp với kệ mở.
10. Không tính toán trước khi thiết kế phòng tắm
Nếu bạn muốn thiết kế một căn nhà thoải mái, ấm cúng để ở lâu dài thì bạn phải tính toán việc bố trí phòng tắm sao cho an toàn, tiện nghi cả khi bạn và người thân về già.
Sàn nhà nên chống trơn trượt, tay vịn nhà tắm và toilet, thiết kế vòi gạt (thay cho vòi vặn),... có thể giúp việc di chuyển và sử dụng nhà tắm dễ dàng hơn.
Nếu bạn vẫn chưa nghĩ đến những chi tiết này thì hãy để trống không gian và bổ sung sau khi cần thiết.
(Theo Bright Side)