Thứ sáu, 22/11/2024, 15:44 (GMT+7)

Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, doanh nghiệp chọn chiến lược kinh doanh hay đạo đức kinh doanh?

Theo các chuyên gia, phát triển bền vững không còn là vấn đề tuân thủ mà đã là một yêu cầu chiến lược trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, câu hỏi lớn đặt ra là doanh nghiệp nên chọn chiến lược kinh doanh hay đạo đức kinh doanh?

Ngày 22/11/2024, Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 chính thức khởi động với chủ đề "FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững". Tại sự kiện, những chia sẻ từ các chuyên gia đã giúp doanh nghiệp đưa ra câu trả lời cho câu hỏi "Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, doanh nghiệp chọn chiến lược kinh doanh hay đạo đức kinh doanh?".

Phát biểu mở đầu, ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch CLB CSMO Việt Nam, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc điều hành MGi PropTech cho biết, trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu, chiến lược sales và marketing của các doanh nghiệp cũng phải thích ứng và đổi mới để đáp ứng những yêu cầu đang thay đổi của thị trường và xã hội. Đáp ứng nhu cầu đó, VSMCamp và CSMOSummit 2024 diễn ra với mong muốn nâng cao tư duy và năng lực sales và marketing. 

Cũng theo ông Trần Ngọc Anh, sales và marketing được xem là bộ phận "đầu tàu" của doanh nghiệp. Muốn phát triển, bộ phận này bắt buộc phải thích ứng với xu hướng toàn cầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo dựng giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội.

"Với mục tiêu đồng hành cùng những người hoạt động trong lĩnh vực sales, marketing và truyền thông cũng như các chủ doanh nghiệp tự tin đón đầu xu thế phát triển bền vững, VSMCamp và CSMOSummit 2024 cùng 69 diễn giả hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội tiếp cận lượng kiến thức lớn, các bài học thực chiến và phương pháp thực tiễn trong hai ngày hội nghị" - ông Trần Ngọc Anh nhấn mạnh. 

z6058458969682_40ded1008faf6d39fb68f6bf95d924c6
Sự kiện quy tụ gần 70 diễn giả, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sales và marketing.

Theo BTC, chuỗi sự kiện của hội nghị bao gồm các phiên họp toàn thể, các phiên thảo luận chuyên đề, triển lãm công nghệ và giải pháp marketing, quảng cáo, truyền thông, các hoạt động kết nối networking, xoay quanh 12 đề tài lớn, bao gồm: Chiến lược marketing bền vững; Chiến lược sales và thương mại điện tử bền vững; Truyền thông xanh và trách nhiệm xã hội; Công nghệ và đổi mới sáng tạo trong marketing bền vững...

Bền vững để phát triển hay phát triển để bền vững?

Theo diễn giả Trần Bằng Việt - Chuyên gia tư vấn cấp cao, Tổng giám đốc điều hành Đông A Solutions, đây là câu hỏi không chỉ dành cho các doanh nghiệp mà còn cho tất cả các tổ chức và cá nhân đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng bền vững.

Phát triển bền vững không còn là vấn đề tuân thủ mà đã là một yêu cầu chiến lược, ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu, lòng trung thành của khách hàng và lợi nhuận tối đa. Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần quan tâm tới ba trụ cột chính, bao gồm: môi trường, xã hội và kinh tế. 

Theo đó, doanh nghiệp cần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng các sử dụng các năng lượng tái tạo, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên khi hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, cộng đồng và các bên liên quan, gắn kết hỗ trợ cộng đồng và đảm bảo điều kiện việc làm; hướng đến hiệu quả kinh tế và những giá trị dài hạn cho cổ đông và cộng đồng, đảm bảo lợi nhuận lâu dài, tìm kiếm đao đức và tái đầu tư vào sáng kiến bền vững. 

z6057941484339_39ef0073590aa8934f0bc92cc7f99c27
Diễn giả Trần Bằng Việt - Chuyên gia tư vấn cấp cao, Tổng giám đốc điều hành Đông A Solutions tại sự kiện.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng nội lực trước khi tăng trưởng sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển ổn định mà còn có thể vượt qua những biến động của thị trường. Điều này đòi hỏi một hệ thống quản lý minh bạch, cam kết lâu dài về trách nhiệm xã hội và môi trường, cũng như sự sẵn sàng đầu tư vào các yếu tố như nhân sự và công nghệ.

Đối với những doanh nghiệp chọn chiến lược phát triển nhanh, cần hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì các cam kết ESG (môi trường, xã hội và quản trị) ngay trong các giai đoạn tăng tốc. Thực hiện được điều này, doanh nghiệp sẽ tránh các rủi ro ngắn hạn về danh tiếng và chi phí môi trường, đồng thời xây dựng uy tín với khách hàng và đối tác.

Cũng theo diễn giả, cái giá của bền vững đôi khi không phải là phát triển. Khi theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận chi phí đầu tư cao, thay đổi quy trình vận hành cũng như rủi ro về những hành vi Tẩy xanh - làm giả quảng cáo xanh, để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng, khó đo lượng hiệu quả cũng như áp lực từ thị trường và đối thủ.

"Tuy nhiên, thực hiện đúng sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu, thu hút và giữ chân khách hàng, tăng hiệu quả vận hành, tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn, thu hút đầu tư" - diễn giả Trần Bằng Việt khẳng định. 

Chiến lược kinh doanh hay sự lựa chọn mang tính đạo đức?

Phát triển bền vững hiện nay không chỉ đơn thuần là một chiến lược kinh doanh mà đã trở thành một yêu cầu không thể thiếu đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu phát triển bền vững chỉ là một yếu tố cạnh tranh trong chiến lược kinh doanh hay thực sự là một lựa chọn đạo đức, giúp bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Tuấn Việt, CMO của F88 cho biết, F88 đã chọn lựa chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức, với nguyên tắc 3 không: không bỏ ai phía sau, không ai phụ thuộc mình và không ai là người xấu.

Các khoản vay tại F88 thường có giá trị nhỏ và được quản lý rủi ro chặt chẽ để đảm bảo người vay không trở thành nạn nhân của hệ thống tài chính. Quyết định từ chối cho vay của F88 cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, vì nó có thể là lối thoát duy nhất cho nhiều người.

z6058429961530_dac3ca7f5a1fecbb2e60df562ed44b59
Ông Trần Tuấn Việt, CMO của F88 chia sẻ chiến lược "tài chính bao dung" của doanh nghiệp.

Trên góc độ của ông Trần Bằng Việt - Chuyên gia tư vấn cấp cao, Tổng giám đốc điều hành Đông A Solutions đánh giá, doanh nghiệp chỉ cần tồn tại và phát triển đã là một loại đạo đức. Chỉ khi doanh nghiệp tồn tại, doanh nghiệp mới có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra kinh tế cho người lao động cũng như phát triển ngành kinh tế thông qua hoạt động tái đầu tư, sản xuất. 

Cũng theo chuyên gia, trong hoạt động mua sắm, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đạo đức của doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào mặt chất lượng hay giá thành của các sản phẩm, dịch vụ. Đạo đức của doanh nghiệp được đánh giá thông qua cách doanh nghiệp đối xử với công nhân, lợi ích cộng đồng cũng như mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Điều này không có nghĩa là doanh nghiệp phải hướng đến tất cả các khía cạnh của phát triển bền vững nhưng doanh nghiệp sẽ không thể bán các sản phẩm, dịch vụ nếu không quan tâm đến các vấn đề trên. 

VSMCamp và CSMOSummit 2024 là chương trình thường niên được Câu lạc bộ Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam, thuộc Hội các Nhà quản trị Việt Nam (VACD), và Công ty Le Bros tổ chức. Được sáng lập từ năm 2016, VSMCamp - Đại hội Sales và Marketing toàn quốc và CSMOSummit - Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing là sự kiện chuyên ngành 2 trong 1 thường niên lớn nhất trong năm tại Việt Nam. Mỗi năm, sự kiện thu hút hơn 1.500 người tham dự, từ các doanh nghiệp, agency và khối học thuật, đào tạo, tư vấn chiến lược.

Mỗi sự kiện của VSMCamp và CSMO Summit đều đưa ra những xu hướng mới, đột phá, có ý nghĩa dẫn dắt và chi phối hoạt động chuyên ngành trong nhiều năm tiếp theo, và vì vậy nó trở thành nơi hội tụ của những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, những công nghệ marketing và truyền thông mới nhất, cũng như những người hành nghề chuyên nghiệp.

Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện

Xem thêm
Cùng chuyên mục