Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 04/10/2023, 17:06 (GMT+7)

Tỷ giá tăng nóng, doanh nghiệp loay hoay tìm cách xoay xở

Tỷ giá đồng USD/VND tăng mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp, buộc họ phải tìm cách tự cứu lấy mình.

Sáng ngày 4/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 26 đồng/USD so với một ngày trước đó với mức giá áp dụng là 24.085 đồng. Như vậy, đồng USD tiếp tục tăng chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 so với các loại tiền tệ khác. 

Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.190 - 24.560 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó. Trong khi đó, BIDV niêm yết giá mua - bán USD đứng ở mức 24.240 - 24.540 đồng/USD, Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.213 - 24.555 đồng/USD, giữ nguyên so với cuối phiên hôm qua.

Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, đồng USD vẫn có xu hướng tăng trong giỏ thanh toán quốc tế. Chỉ số Dollar Index - đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,09% so với phiên trước, lên mức 107.09 điểm, vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 4/10 (giờ Hà Nội).

Tỷ giá USD tiếp tục tăng - CafeLand.Vn
Tỷ giá tăng mức cao nhất 8 tháng và tăng hơn 2% so với hồi đầu năm. (Ảnh: Minh họa)

Bối cảnh tỷ giá đồng USD tăng nóng trong những ngày qua khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu sản xuất lo lắng. Bởi, tỷ giá tăng kéo theo hàng loạt hệ lụy về chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng… Tình hình kéo dài kể từ giữa tháng 6 đến nay khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao. 

Không chỉ doanh nghiệp nhập khẩu, khi tỷ giá biến động mạnh, các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ cũng đứng ngồi không yên. Đặc biệt là những doanh nghiệp vay với lãi suất thả nổi hệ quả phải gánh đến sớm nhất.

Tự cứu lấy mình, nhiều doanh nghiệp buộc phải tự thân xoay xở tìm lối đi riêng và phải tìm đơn hàng từng tuần, từng ngày; song mặt khác cũng phải “chống chọi” với biến động tỷ giá. Theo đó, biện pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là cắt giảm chi phí cũng như dùng nguồn vốn tích trữ để chi trả cho những khoản chênh lệch của tỷ giá.

Song nếu tình trạng tỷ giá đồng USD tiếp tục neo cao trong 4-5 tháng, đây sẽ là một bài toán khó cho các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng đến việc nhập hàng cho năm 2024. Điều này bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá cả thị trường. Còn hiện tại, các doanh nghiệp vẫn trong xu hướng giữ giá để kích cầu tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên tự chủ trong việc đưa ra những giải pháp quản trị rủi ro tỷ  giá để tránh những biến động khó lường của thị trường. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn, sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi…

Ngân hàng nhà nước Việt Nam là gì? Chức năng và nhiệm vụ?
Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp kiểm soát tình trạng tỷ giá tăng, giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. (Ảnh: Minh họa)

Nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, cuối tháng 9 Ngân hàng Nhà nước đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu với tổng quy mô gần 93.800 tỷ đồng trong 7 phiên, qua đó hút khỏi hệ thống ngân hàng lượng VND tương ứng. Sang tháng 10, phiên giao dịch gần nhất 3/10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán tín phiếu rút ra khỏi hệ thống 10.000 tỷ đồng.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước được giới chuyên môn đánh giá là sẽ góp phần ổn định tỷ giá USD/VND. Điều này có thể sẽ giúp hạn chế các kỳ vọng thái quá của thị trường và sớm đưa tỷ giá ổn định trở lại. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tạm thời ứng phó với những khó khăn về tỷ giá.

Cùng chuyên mục