Thứ bảy, 14/10/2023, 15:40 (GMT+7)

Grab mất 16 năm để thu lại số vốn bỏ ra để thu hút mỗi khách hàng

Khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, Grab mang theo hy vọng của Singapore và cả Đông Nam Á song mọi thứ khó khăn hơn những gì ông lớn này kỳ vọng.

Trong phòng hội thảo của khách sạn 5 sao Shangri-La Singapore, Anthony Tan ăn mừng chiến thắng cho ngành công nghệ đầy triển vọng của Singapore. “Hôm nay, chúng ta đã đưa Đông Nam Á vụt sáng!”, ông nói với đám đông xung quanh. Công ty của ông, Grab, chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tan thành lập Grab và năm 2012 khi các công ty gọi xe ngày càng phổ biến. Masayoshi Son, nhà sáng lập SoftBank, một trong những nhà đầu tư vào Uber, cũng đứng sau Grab. Một số nhà đầu tư khác tham gia cũng có thể kể đến BlackRock, Fidelity, Morgan Stanley và Temasek.

anh1
Anthony Tan và Tan Hooi Ling, 2 người đồng sáng lập Grab, trong ngày đầu cổ phiếu lên sàn tại Mỹ. (Ảnh: Grab).

Kể từ đợt bùng nổ internet của những năm 1990 thế giới mới lại “khát khao” các startup chưa có lợi nhuận đến vậy. Trước khi niêm yết, Grab được định giá 40 tỷ USD, gần bằng giá trị American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines cộng lại. Ông Tan, 39 tuổi vào thời điểm đó, đang trên đà thành tỷ phú.

Ngay cả ngày niêm yết của Grab cũng đặc biệt: 12 02 2021. Con số này đọc xuôi hay ngược đều như nhau. Con số kiểu này chỉ lặp lại 12 lần trong thế kỷ này. Vào 9:30 giờ địa phương, ông Tan và người đồng sáng lập Tan Hooi Ling, rung chuông trên sàn Nasdaq từ xa từ khách sạn Shangri-La. Pháo giấy tràn ngập phòng và bài hát We Are the Champions vang lên. Thế nhưng ngay khi pháo giấy kịp chạm đất, vận may của ông Tan biến mất. Giá cổ phiếu Grab giảm 21% tại giờ đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên. Và ngay cả sau đợt tăng gần đây, giá cổ phiếu Grab vẫn giảm gần 70% so với giá chào sàn.

Cổ phiếu Grab giảm giá là một “cú đấm” với Singapore. Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1965, quốc đảo 5,9 triệu dân này thịnh vượng nhờ cởi mở và hỗ trợ công nghiệp - thương mại. Dần dần, Singapore trở thành một trung tâm hàng hóa và tài chính. Nhưng tại sao nó lại không thể là một trung tâm công nghệ.

Năm 2011, bộ phận khởi nghiệp của trường Đại học Quốc gia Singapore, cùng công ty đầu tư mạo hiểm của một công ty viễn thông liên kết với chính phủ và một cơ quan chính phủ về phát triển truyền thông, đã thành lập một vườn ươm công nghệ. Được gọi là Block71, nó có trụ sở tại một tòa nhà công nghiệp đổ nát sắp bị phá dỡ. Hơn 1.100 công ty đã được “nuôi dưỡng” thông qua trung tâm này.

Khu vực xung quanh Block71 thu hút được nhiều công ty như Canon và Fujitsu cũng như Grab. Cũng không thể không kể đến 2 công ty công nghệ Singapore khác cũng là “hàng xóm” trong khu vực này là Razer và Sea.

Thế nhưng cả 3 niềm hy vọng công nghệ lớn nhất của Singapore đều đang lao đao. Giá cổ phiếu của Sea đã giảm gần 90%. Công ty này cũng phải sa thải hàng nghìn nhân sự để cắt giảm chi phí. Trong khi đó, vì gặp nhiều khó khăn trên thị trường chứng khoán, Razer đã quay lại mô hình công ty tư nhân. Devadas Krishnadas, giám đốc công ty tư vấn Future-Moves Group, cho biết startup cần làm nhiều điều hơn là đốt tiền của các nhà đầu tư và nói về triển vọng tăng trưởng.

Dĩ nhiên, các công ty công nghệ Singapore vẫn đang hoạt động và còn nhiều điều để nói về câu chuyện của họ. Ông Tan và các lãnh đạo Grab vẫn tự tin vào tương lai công ty. “Phản hồi từ các nhà đầu tư của chúng tôi về hành trình hướng tới lợi nhuận và phát triển bền vững là rất tích cực”, Grab chia sẻ.

Ông Tan lớn lên ở Malaysia và khởi nghiệp trong một nhà kho 11 năm trước. Thời điểm đó, tại Kualar Lumpur, sản phẩm của ông Tan có tên MyTeksi. Nó cho phép khách hàng gọi xe taxi qua smartphone. Ông Tan xuất thân từ một gia đình doanh nhân với ông là người đồng sáng lập Tan Chong Motor Holdings Bhd. Đây là công ty phân phối xe Nissan ở Malaysia. Bố ông là chủ tịch của một công ty đại chúng khác. Ông Tan theo đuổi sự nghiệp học tập tại Mỹ, cụ thể là ngành kinh tế và chính sách công ở Đại học Chicago trước khi học MBA tại Đại học Harvard.

2 năm sau khi khởi nghiệp, ông Tan gặp ông Masayoshi Son tại Tokyo. Thời điểm đó, ông Son nổi tiếng với khoản đầu tư vào Alibaba. SoftBank cam kết đầu tư 250 triệu USD vào công ty của ông Tan. Năm 2014, công ty của ông Tan chuyển tới Singapore và đổi tên thành Grab để chuẩn bị mở rộng ra khu vực. (Đến năm 2020, Grab mở trụ sở thứ 2 ở Jakarta, Indonesia).

Ngày 26/3/2018, Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á và đổi lấy 27,5% cổ phần. Uber rút khỏi thị trường là một chiến thắng lớn với ông Tan. Grab tích hợp UberEats vào dịch vụ giao đồ ăn của mình và đổi tên thành GrabFood cuối năm đó. Qua quá trình phát triển, ông Tan gọi ứng dụng của mình là “siêu ứng dụng hàng ngày” dẫn đầu Đông Nam Á, phục vụ các nhu cầu di chuyển, gọi đồ và dịch vụ tài chính. Với chiến lược của mình, người dùng Grab nhanh chóng quen với những chuyến xe được giảm giá mạnh.

Cho tới năm 2020, các nhà đầu tư nhìn nhận Grab như một ứng viên tiềm năng cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông Tan và các cộng sự chọn chiến lược niêm yết thông qua SPAC (công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng). Trong một thỏa thuận phức tạp, nhà tài trợ - ở trường hợp của Grab là Altimeter Capital Management – thành lập một công ty vỏ bọc và sáp nhập nó vào một công ty có hoạt động thật là Grab. Nếu thỏa thuận được thực hiện, kết quả đầu ra sẽ là một công ty đại chúng. SPAC giúp các công ty tránh được quá trình IPO truyền thống cực kỳ tốn nhiều thời gian. Thời điểm đó, SPAC trở nên phổ biến đến mức không nhiều người đưa ra các câu hỏi và rất nhiều kỳ vọng được đưa ra cho thương vụ của Grab.

Eric Wen, một nhà phân tích của Blue Lotus Capital Advisor, là một ngoại lệ. Càng quan sát thương vụ Grab, Wen càng hoài nghi. Ông nhận thấy ở thời điểm đó Grab có ít hơn 25 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, bằng khoảng 7% số lượng người dùng của siêu ứng dụng Trung Quốc Meituan. Và ông cũng nhận ra Đông Nam Á có quy mô dân số trung lưu và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc.

Grab đã kêu gọi được 12 tỷ USD vốn đầu tư trước thương vụ SPAC, theo Crunchbase. Ở mức độ vi mô, những phép tính thực sự ảm đạm. Grab dành 480 USD để có được một khách hàng và sau đó trung bình mỗi khách hàng chi tiêu 29 USD mỗi năm. Nói theo cách khác, Grab cần hơn 16 năm để thu hồi lại tiền đầu tư.

6 tuần sau khi niêm yết, ông Wen nói quan ngại của mình trong một báo cáo để khuyến khích các nhà đầu tư bán cổ phiếu Grab. Giá cổ phiếu Grab lúc đó đang giao dịch ở mức 6 USD, mất một nửa giá trị so với giá chào sàn. Wen dự đoán giá có thể giảm về mốc 3 USD. Dự đoán này được hiện thực hóa gần 2 tháng sau đó và duy trì ở mức giá này cho tới thời điểm hiện tại.

Mak Yuen Teen, giáo sư ngành kế toán tại Đại học Quốc gia Singapore, nhìn thấy một bài học từ câu chuyện của Grab. Ông nhận định các nhà đầu chưa chưa bao giờ nhìn đủ sâu vào hoạt động quản trị doanh nghiệp và mô hình kinh doanh của Grab. Ví dụ, ông Tan có 63% quyền quyết định ở Grab nhưng chỉ sở hữu 3% số lượng cổ phiếu thường của công ty này. Một thỏa thuận kỳ lạ khác cũng khiến nhiều người lo lắng: Tháng 3/2018, mẹ của ông Tan được chọn là giám đốc ban điều hành.

Cho tới tận hôm nay, khác với người sáng lập của Uber hay WeWork, ông Tan vẫn giữ vị trí của mình. Người đồng sáng lập khác là Hooi Ling cũng sẽ từ nhiệm vị trí vận hành của mình vào cuối năm nay. Và trong khi cổ phiếu nhiều công ty công nghệ giảm, một số trong đó giảm tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn Grab, giá cổ phiếu Uber có mức giảm thấp hơn. Uber cuối cùng cũng có lợi nhuận hoạt động vào quý II năm nay. Vào cuối năm ngoái, Grab có lỗ lũy kế 16 tỷ USD.

Con đường phát triển của Uber dễ dàng hơn bởi Uber có thể dựa vào nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ để phát triển. Dù giàu có, Singapore quá nhỏ để hỗ trợ các công ty tiêu dùng tăng trưởng nhanh. Trong khi đó các thị trường khác tại Đông Nam Á của Grab cũng khó có lợi nhuận nhanh. Mỗi thị trường lại có ngôn ngữ, các quy định và quy tắc riêng. Điều này là thách thức cho bất kỳ công ty nào.

Grab đang cố gắng trở lại. Công ty này đang thu hẹp chiến lược siêu ứng dụng với hơn 35 triệu người dùng hàng tháng.  Hoạt động ở 8 thị trường và hơn 500 thành phố, Grab ghi nhận doanh thu 1,4 tỷ USD trong năm ngoái cùng giá trị vốn hóa hơn 13 tỷ USD. Không thể phủ nhận Grab có vị trí vững chắc đối với người dùng Đông Nam Á.

Một ngày trong tháng 8, giá cổ phiếu Grab tăng 11% sau khi công bố khoản lỗ theo quý giảm dần. “Chúng tôi đang có nhiều người dùng Grab hơn bao giờ hết”, ông Tan nói và chia sẻ thêm về các biện pháp cắt giảm chi phí, hướng tới lợi nhuận. Các nhà phân tích của Citigroup khen ngợi “hoạt động quản lý chi phí hiệu quả” của Grab. Grab khẳng định còn nhiều dư địa phát triển tại Đông Nam Á.

Tại Singapore, mục tiêu kiếm tiền ở mảng gọi xe, và phần còn lại của ngành công nghệ, vẫn tiếp tục. Hành trình trở thành "Thung lũng Silicon" ở Đông Nam Á của Singapore vẫn còn nhiều thách thức.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục