TP HCM thu giữ hơn 18 tỷ đồng vàng trang sức vi phạm, người tiêu dùng bớt lo mua vàng trôi nổi
Cục QLTT TP HCM cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã xử lý 326 vụ vi phạm đối với mặt hàng vàng trang sức, trị giá tang vật vi phạm hơn 18,26 tỷ đồng.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM vừa có báo cáo hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2024. Trong năm 2024, Cục QLTT TP HCM đã thu nộp ngân sách đạt hơn 100 tỷ đồng (đạt 113,7 % so với chỉ tiêu); trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý hơn 73,3 tỷ đồng (tăng 37,52%) và trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 60,4 tỷ đồng (tăng 10,2%).
Đối với mặt hàng vàng trang sức đã kiểm tra, xử lý 326 vụ vi phạm (chiếm tỷ trọng 6,72% tổng số vụ vi phạm), trị giá tang vật vi phạm hơn 18,26 tỷ đồng; xử phạt tiền hơn 17,6 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 18,8% tổng số tiền xử phạt).
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử đã kiểm tra, xử lý 121 vụ (giảm 8 vụ) nhưng tập trung xử lý các vụ việc có quy mô lớn, điển hình như "vụ phát hiện xe vận chuyển hơn 120.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại Củ Chi đã chuyển cơ quan điều tra" và "vụ phát hiện hơn 10 ngàn đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng tại Quận 1 và quận Tân Phú".
Đối với hoạt động thương mại điện tử đã kiểm tra, xử lý 379 vụ vi phạm (tăng 392,2%), với trị giá hàng hóa vi phạm hơn 8,6 tỷ đồng (tăng 1.128,57%), số tiền xử phạt hơn 7,6 tỷ đồng (tăng 300%).
Đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã kiểm tra, xử lý 2.215 vụ vi phạm (tăng 39,98%); tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 89,9 tỷ đồng, đã xử phạt tiền hơn 44,1 tỷ đồng (chiếm 47,62%).
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP cho biết trong năm qua, đơn vị đã nắm bắt kịp thời các biến động của thị trường và xử lý ngay các trường hợp vi phạm, điển hình như mặt hàng vàng trang sức, thuốc lá điện tử, lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong năm 2025, Cục Quản lý thị trường TP HCM sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trên thị trường nội địa; lên kế hoạch kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là giám sát, kiểm tra hoạt động trong thương mại điện tử, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp Lễ, Tết.
Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong mua bán và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.