Thứ bảy, 15/07/2023, 20:38 (GMT+7)

Toàn cảnh bức tranh ngành công nghiệp xe điện Đông Nam Á

Minh Sơn (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Đông Nam Á có nhiều cơ hội và điều kiện trở thành một thị trường xe điện lớn.

Ngành công nghiệp xe điện Đông Nam Á vốn bị nhiều thương hiệu xe truyền thống nước ngoài thống trị, với các ông lớn Wuling và Volvo chiếm 2/3 thương hiệu hàng đầu của năm 2022, theo Counterpoint Research. Chiếc xe điện Wuling Air là dòng xe bán chạy nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm ngoái.

Dù vậy, VinFast ghi nhận doanh số xe điện lớn nhất cho khu vực Đông Nam Á trong năm 2022. Hai mẫu xe điện của hãng này là VF 8 và VF e34  nằm trong số 3 mẫu xe điện bán chạy nhất Đông Nam Á trong năm này. Dù vậy, xe điện không phải cấu phần duy nhất của ngành công nghiệp xe điện bởi có cả một hệ sinh thái hỗ trợ vận hành của ngành công nghiệp này.

Cơ sở hạ tầng hỗ trợ thay pin và sạc pin cùng có mức độ hiện diện lớn như những trạm xăng để người dùng xe điện có thể tự tin di chuyển trên những quãng đường xa hơn.

Với việc xe điện ngày càng được tiêu thụ nhiều, tái chế pin lithium-ion cũng cần được tính đến. Đây cũng là lĩnh vực mà nhiều startup Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện.

xd
Toàn cảnh bức tranh ngành công nghiệp xe điện Đông Nam Á. (Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Việc đón nhận xe điện ở Đông Nam Á có thể sẽ có nhiều điểm khác biệt so với Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, Tech in Asia nhận định.

Mặc dù các nhà sản xuất bên ngoài Đông Nam Á có thể có lợi thế ở mảng xe điện 4 bánh, thị trường xe điện 2 bánh và 3 bánh vẫn là một cuộc cạnh tranh nóng bỏng của các công ty trong khu vực. Với việc thị trường vẫn quan tâm đến dòng xe 2 bánh, nhiều startup như Ion Mobility, Dat Bike và Var cũng thu hút được nhiều sự chú ý trong vài năm trở lại đây.Dù vậy, mảng hoạt động phổ biến nhất của các startup xe điện tại Đông Nam Á là mảng thay pin và sạc pin.

Theo một báo cáo của McKinsey, thị trường Đông Nam Á sẽ cần tới 95.000 trạm sạc AC công cộng và 40.000 trạm sạc DC công cộng để hỗ trợ số lượng xe điện hoạt động dự phóng trong khu vực tới thời điểm năm 2030.

Lúc này, nhiều quốc gia đã bắt đầu đạt được các thoả thuận với các công ty địa phương để giải quyết bài toán về hạ tầng này. Gần đây, startup Singapore Charge+ đã ký một hợp đồng với chính phủ Singapore để lắp đặt 4.000 trạm sạc xe điện tại quốc gia này.

Electrum, một công ty liên doanh của Gojek và TBS Energi Utuma, cũng đặt mục tiêu lắp đặt nhiều trạm sạc tại Indonesia. Liên doanh này cũng sản xuất xe và hiện tại đang cung cấp xe điện 2 bánh cho Gojek.

Bên cạnh hạ tầng, một trong những thách thức lớn nhất để xe điện được đón nhận là chi phí bỏ ra ban đầu để mua xe khá cao. Thực tế này cũng khiến người mua quan tâm đến những lựa chọn mua xe điện như các startup Charged Asia hay Blitz đưa ra. Sự vào cuộc của chính phủ ở nhiều hình thức khác nhau như miễn thuế hay trợ giá cũng đang giúp hạ thấp chi phí.

Bên cạnh đó, đầu tư vào mảng xe điện cũng tăng mạnh qua các năm. Trong năm 2022, số lượng thương vụ đầu tư vào mảng xe điện tăng 35% so với cùng kỳ năm trước đó. Giá trị đầu tư trong năm 2023 đang ghi nhận tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dữ liệu của Tech in Asia cho thấy giá trị đầu tư vào mảng xe điện ở Đông Nam Á thực tế có mức độ dao động khá cao trong vài năm trở lại đây, phần lớn là do các thương vụ lớn đổ vào những cái tên như Hozon hay VinFast.

Mặc dù VinFast đang dẫn đầu ở mảng sản xuất xe điện trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia có thị phần kinh doanh xe điện lớn nhất khu vực trong năm 2022 với tỷ trọng 58%. Quốc gia này cũng là nhà sản xuất xe điện lớn nhất trong khu vực khi lĩnh vực này đóng góp hơn 10% tỷ trọng GDP nhờ lợi thế và hạ tầng sản xuất xe đã có sẵn trước đó của những cái tên như Toyota, Nissan, Honda, và AutoAlliance.

Với doanh số xe điện chỉ đứng thứ 4 trong khu vực, Singapore lại là quốc gia có số lượng startup xe điện lớn nhất trong khu vực với 13 startup. Con số này của Việt Nam là 3, theo Tech in Asia.

Với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Đông Nam Á cũng có thể giữ vai trò trở thành một phương án thay thế hấp dẫn trong chuỗi cung ứng pin lithium-ion. Indonesia là quốc gia có chữ lượng nickel, đồng và thiếc lớn nhất thế giới và nó đã thu hút được đầu tư và sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn như Huyndai Motors, LG Energy Solutions, CATL và Foxconn. VinFast cũng đã mở một cơ sở sản xuất với sản lượng 100.000 pin xe điện mỗi năm ở Việt Nam.

Với quy mô dân số, tài nguyên giàu có và chi phí nhân lực thấp, Tech in Asia cho rằng Đông Nam Á có nhiều tiềm năng trở thành một thị trường xe điện lớn. Đến năm 2025, theo ước tính khoảng 20% xe trong khu vực này sẽ là xe điện.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục