'Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật'
Dân gian có câu: “Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật/Bạc xài lầm, bạc ác như ma”. Có nhiều tiền bạc đã là việc khó, sử dụng tiền bạc đúng lúc, đúng nơi, có ích nhất cũng khó như kiếm tiền, giàu có một cách chân chính vậy.
Từ xưa đến nay, xung quanh chuyện tiền bạc, người ta luận bàn, tranh cãi chưa bao giờ dứt, đôi khi mất anh mất em, mất bạn mất bè, thậm chí mất cả vợ chồng đang ngời ngời hạnh phúc, cũng vì cách ứng xử khác nhau với đồng tiền và cách sử dụng đồng tiền. Quyền lực của tiền bạc đôi khi làm người ta sững sờ.
Có tiền bạc có thể rời non lấp biển, thay đổi thân phận con người. Tiền có thể biến một cô thôn nữ mộc mạc hiền dịu trong sáng thành một người đàn bà từng trải, lọc lõi già dơ, lắm mưu nhiều kế. Tiền bạc là thước đo kẻ giàu người nghèo, là một trong các chỉ số quan trọng mặc định đất nước đang phát triển và phân biệt quốc gia phát triển hay không. Không vay được vốn từ ngân hàng thì bác nông dân khó mà dồn điền đổi thửa gom đất, đầu tư kỹ thuật làm trang trại.
Không có tiền từ hùn vốn thì khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, bao giờ mới thành doanh nhân? Không có tiền thì không thể phẫu thuật để biến một cô gái không may xấu xí vô duyên thành một mỹ nhân lộng lẫy, đài các. Ấy là chưa kể đông tiền lắm bạc mới sắm được hạm đội làm chủ đại dương, sáng chế phi thuyền chinh phục vũ trụ, chạy đua vũ trang để gây chiến hoặc không chế, ngăn chặn chiến tranh, làm chủ thế giới. Nghèo không chỉ yếu mà rất có thể còn hèn. Giàu thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.
Tiền bạc nhiều để thoát khỏi lũy tre làng, để chạy trốn năm tháng chân trần giữa mùa đông lạnh giá đi học đường xa với cái bụng đói meo, để giàu có, ở biệt thự, đi xe hơi, chơi trang trại, sống sung sướng, hạnh phúc. Tiền bạc nhiều để khởi nghiệp, lập nghiệp, để xây dựng doanh nghiệp lớn, để thành doanh nhân tiêu biểu, để thành người nổi tiếng...
Bạn nhiều tiền bạc, bạn có quyền nằm dài trên cát cùng người tình trên bãi biển Waikiki ở đảo Hawaii ngoài khơi xa Thái Bình Dương, đêm đốt lửa đắm say cùng vũ điệu Hula bản địa. Tiền bạc nhiều tới gần 300 tỷ USD như Elon Musk thì sẽ làm được xe điện Tesla Motors, sẽ mua được mạng xã hội Twitter, mới tuyên bố “muốn thành lập một thuộc địa của loài người trên sao Hỏa vào năm 2040, với dân số khoảng 80.000 người” sau khi đã rất thành công ở công nghệ vũ trụ… Có thể nói, càng nhiều tiền bạc, khát vọng càng lớn, và càng có điều kiện tốt để biến ý tưởng, ước mơ thành hiện thực.
Nói không cần tiền bạc chỉ là một cách nói nhấn mạnh và nói trong ngữ cảnh đang tôn vinh các giá trị tinh thần khác, chứ ai mà chẳng cần, chẳng muốn tiền bạc? Không ai chỉ sống bằng nước lã và khí trời. Tiền bạc vừa là mục đích vừa là công cụ. Người ta sử dụng mọi sức mạnh, trong đó có cách sử dụng tiền như một công cụ để đạt được mục đích giàu có. Có ai cứ yên phận nghèo đạm bạc với đồng lương ba cọc ba đồng, để rồi khi ốm đau bệnh tật, sa cơ lỡ vận không biết bấu bíu vào đâu? Tiền bạc rất cần với người giàu, càng cần thiết với người nghèo để sống tốt hơn, để thay đổi thân phận. Giàu có, nhiều tiền bạc là nhu cầu, là khát vọng cần được tôn trọng và khuyến khích, tôn vinh người làm giàu chân chính.
Nhưng, tiền bạc cũng lắm khi bạc bẽo lắm. Cái “thói đời” này, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải thốt lên rằng: “Còn bạc còn tiền, còn đệ tử/Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”. Kẻ đến với người và kẻ đi khỏi người đều đặt quan hệ tiền bạc lên đầu tiên, trên hết. Người ta nói: “Tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi, là nguyên nhân của mọi cuộc chiến tranh”.
Hơn thua một tấc đất làm hàng rào láng giềng cũng có thể dùng đòn xóc dao bầu để thanh toán đẫm máu. Ăn chia tiền bạc không đều sinh ra mâu thuẫn và án mạng tàn khốc, anh em mỗi người một nơi, vợ chồng mỗi người một nẻo. Tiền bạc xen vào trong xó bếp, ngự trên giường ngủ, và cả đời tối mắt tối mũi chạy quanh tiền bạc mà không có điểm dừng.
Tiền bạc có sức mạnh hủy hoại vô biên. Khi bị đồng tiền quỷ ám thì con người không phải con người nữa mà trở thành “con tiền”. Một trong những vết nhơ hoang dã của loài người là tệ buôn bán nô lệ. Những chuyến tầu hàng bất tận suốt thế kỉ 16, 17 và 18 chuyên chở người da đen, da màu vượt Đại Tây dương sang bán ở các miền đất mới cũng là do tiền và vàng sai khiến.
Các cuộc tàn sát man rợ đẫm máu trên băng tuyết cũng từ các chuyến đi xe chó kéo lên phương Bắc tìm vàng. Nhà văn Balzac có nhân vật Grandet ham tiền, tôn sùng đồng tiền đến mức cứ đêm đêm khuya vắng lại chui xuống hầm ngắm các đồng tiền vàng và đếm, đếm đi đếm lại. “Lợi nhuận mà thích đáng thì tư bản trở thành can đảm, lợi nhuận mà đảm bảo được 10% thì người ta có thể đụng được tư bản ở khắp nơi, đảm bảo được 20% thì nó hăng máu lên, đảm bảo được 50% thì nó táo bạo không biết sợ là gì, đảm bảo được 100% thì nó chà đạp lên tất cả mọi luật lệ của loài người, đảm bảo được 300% thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám phạm, thậm chí bị treo cổ nó cũng không sợ”, nhà triết học Karl Marx đã dẫn lại luận điểm này của một học giả người Anh để nhấn mạnh về sức mạnh của tiền bạc. Thế mới biết đồng tiền khuynh đảo khủng khiếp thế nào.
Có ông “vua café” gặp phải nông nỗi đoạn trường qua cầu mới hay, phải thảng thốt kêu: “Tiền nhiều để mà làm gì?”. Không phải là câu hỏi mới, nó là vấn đề rất cũ, cũ như “chuyện thường ngày ở huyện” và xưa như trái đất. “Tiền nhiều để làm gì?” chỉ là một câu hỏi trong một ngữ cảnh mà người ta đã biết hậu quả tệ hại của nó.
Với ông “vua caffé” này thì… “Để bây giờ phải ra tòa, chồng một nơi vợ một nẻo. Tiền bạc nhiều không cứu vãn được hôn nhân”. Còn ai đó sẽ nói: “Để bây giờ phải hối hận” hoặc “Để bây giờ thân tàn ma dại”, “Để bố con, anh em phải từ nhau”, hay “Để phải ngồi trong nhà đá bóc lịch”... Cái tệ hại sau khi tiền bạc nhiều như lá rụng mùa thu thì thường biến hóa thiên hình vạn trạng, trong khi câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì?” chỉ có một.
Ai cũng muốn mình giàu có từ “đồng tiền sạch”, chân chính và nhiều người trở thành triệu phú, tỷ phú USD. Nhưng, cũng không ít người làm giàu, tiền kho bạc đụn từ “đồng tiền bẩn”. Sử dụng đồng tiền bẩn để làm giàu thì không bền, dĩ nhiên hạnh phúc rất mong manh. Tiền kho bạc đụn mà đến thời mạt, vận hết, hoặc quá tin người, hoặc tính toán không kĩ, hoặc bị các đối thủ âm mưu thoán đoạt, thì cũng đến lúc đội nón ra đi, phá sản, cơ nghiệp tan tàn.
Bao nhiêu chất xám, công sức dựng nghiệp đầy mồ hôi, nước mắt tan như bọt biển. Khi đó, nhìn cơ đồ tan hoang, chỉ nghĩ đến lòng người tệ bạc, chỉ nghĩ đến đồng tiền đã mất mà uất ức rồi nhẩy lầu lúc nào không biết. Thẩm Văn Đào bảo: “Không ai đem tiền vào quan tài, nhưng tiền có thể mang người ta vào quan tài”, không phải không có lý.
Doanh nhân có nhiều hạng, có những doanh nhân nhiều chữ. Trong hạng doanh nhân nhiều chữ lại có doanh nhân bút chữ. Đặng Lê Nguyên Vũ là một người như thế - nói được thành lời và viết ra những tư tưởng, tầm nhìn, khát vọng của mình. Đặng Lê Nguyên Vũ quan niệm về tiền bạc và nghĩa tình: “‘Khi bạn nợ tiền ai đó, người ta không đòi không phải vì quên, mà họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn”.
Nói đi đôi với làm, lúc hàn vi, Vũ vay 200 triệu của một người bạn, sau đó ăn nên làm ra, ông trả mỗi tháng 25 triệu đồng suốt hơn 20 năm để báo ơn. “Người cho tôi bát cơm lúc tôi giàu sang chưa chắc đã vì tôi mà cho. Nhưng người sẵn sàng kéo tôi ra khỏi khó khăn tuyệt vọng thì chắc chắn họ đã yêu thương và trân quý tôi thực sự. Bạn có thể là một người nghèo nhưng đừng làm một người bội tín hay vô ơn. Bạn có thể không đủ tiền để trả nhưng phải biết dùng miệng để giữ lại chút tín nhiệm”. Đặng Lê Nguyên Vũ đã sống với triết lí về tiền bạc như thế.
Bill Gates từng nhiều năm là người giàu nhất thế giới. Người ta kể rằng: Lúc khởi nghiệp là ông bắt đầu có ý tưởng về Microsoft. Dạo ấy, ở sân bay New York, ông ghé một sạp báo để mua một tờ. Nhưng ông phát hiện ra không đủ tiền lẻ, và trả tờ báo đã cầm lên cho người bán báo da màu. Người bán báo đã tặng ông tờ báo ấy và ép ông phải nhận mới thôi. Ba tháng sau, cũng tại sân bay này, ông lại rơi vào tình trạng khó xử, và lại được tặng tờ báo như lần trước.
“Lòng tốt của người bán hàng đã khắc sâu trong tâm trí của tôi và khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”, Bill nói. Gần 20 năm sau, Bill Gates vô cùng giàu có và nổi tiếng khắp toàn cầu, ông đến sân bay New York tìm người bán báo da màu năm xưa. Họ nhận ra nhau, ông cảm ơn và đề nghị: “Anh có mong ước gì hãy nói với tôi. Tôi sẽ giúp anh hoàn thành bất cứ điều gì trong khả năng của mình”.
Thật ngạc nhiên là người bán báo da màu nghèo khó đã từ chối rằng: “Chúng ta quá khác nhau. Tôi chỉ là một người bán báo nghèo khi giúp anh. Còn bây giờ, anh là người giàu nhất thế giới giúp tôi. Sự giúp đỡ như vậy căn bản không phù hợp với tôi. Dù sao tôi cũng rất cảm ơn lòng tốt của anh”.
Bill đột nhiên nhận ra người bán báo da màu giàu có hơn ông. Anh ta không chờ đến lúc giàu có, lắm tiền mới giúp Bill và người khác. Vậy thì, đồng tiền của Bill và của người bán báo da màu đều là đồng tiền dùng đúng, nhưng đồng tiền của ai dùng đúng lúc hơn, hiền hơn, Phật hơn?
Ngay cả ông “vua café” thảng thốt kêu “Tiền nhiều để làm gì?” thì cũng không chỉ một câu trả lời. Người ta nhớ lại “vua” khi ra tòa li dị vợ đi đôi giày lười giản dị, chỉ đáng giá 75.000 đồng, thêu hình bông lúa, made in Việt Nam, có thể mua trên mạng. Có fan yêu mến trả lời thay cho ông (tất nhiên là câu trả lời vui vẻ, hài hước) trên mạng xã hội: “Tiền nhiều để mua giày Việt Nam 75.000 đồng”. Nhưng cũng chính ông “vua” này đã “lên xe xuống ngựa” từ nhiều xe ô tô đắt tiền, sang trọng. Người có tiền bạc nhiều, giàu sang cũng là người biết cách tiêu tiền. Chẳng ai dạy được họ cách dùng tiền, cách tiêu tiền. Có bao nhiêu cách tiêu tiền, nghĩ về tiền, thì cũng có bấy nhiêu triết lý về nó.
Cách đây vài ngày, tôi đọc xong trên mạng một câu chuyện tử tế mà thanh thản cả buổi tối, rồi ngủ ngon suốt cả đêm. Đại ý, chuyện là có một chị shipper áo xanh trên đường giao hàng không may quệt xe vào đuôi chiếc Mercedes-Benz GLC 300 4MATIC màu đỏ, rồi cái xe máy đổ kềnh ra vẫn nổ máy pình pình. Run bắn người, chị shipper hốt hoảng.
Anh chủ xe cũng mặc áo màu xanh đeo caravat dừng ô tô, bước xuống dựng lại xe máy cho chị shipper đang ú ớ không nói nên lời, rồi ngó nghiêng nhìn đuôi ô tô của mình. Nhìn vệt xước dài trên ô tô, anh chép miệng, thở dài rồi nói: “Tôi bỏ qua, không bắt chị đền vì chị mặc áo cùng màu với tôi. Chị nhớ lần sau phải chạy cẩn thận nhé”.
Lý do tha lỗi, không bắt đền tiền chỉ vì mặc áo cùng mầu, ai cũng biết không hợp lý, không thuyết phục, nó chỉ là cái cớ cho người ta thực hiện một ý định tốt. Anh áo xanh là người biết dùng tiền đúng lúc, nên tiền hiền như Phật, anh giàu tình thương và giàu cả tiền bạc. Người như thế này thì đã giàu lại càng giàu hơn. Kinh Thánh dạy rằng: “Của cải ở đâu, linh hồn sẽ ở đấy”. Thay vì gom góp, tích trữ của cải, bo bo giữ cho mình, giữ cho các thế hệ sau thì san sẻ bớt đến nơi cần với tấm lòng lành là coi như chuẩn bị sẵn cho mình một chỗ ở thiên đường.
Doanh nhân Larry Page - đồng sáng lập, CEO của Alphabet Inc (Công ty mẹ Google) nói rằng: “Nếu động lực của chúng tôi là tiền bạc, chúng tôi đã bán công ty từ rất lâu rồi và giờ đang nghỉ ngơi tại các bãi biển”. Không ai một đêm cùng ngủ trong hai cái biệt thự, chẳng ai cùng lúc ngồi trên hai cái ô tô sang trọng, đắt tiền. Có 1.000 tỷ đồng thì tiêu xài, thụ hưởng cũng chỉ sung sướng bằng người có 100 tỷ thụ hưởng, tiêu xài. Giàu, nhiều tiền để làm gì, nếu không đổi được bằng hạnh phúc? Tôi đồ rằng, người biết tiêu tiền đúng không bao giờ chỉ nghĩ cho riêng mình.
Nếu CEO của Alphabet Inc bán công ty và đi biển nghỉ ngơi thụ hưởng thì đời vợ chồng ông, đời con cháu ông tiêu xài vẫn không hết tiền bạc. Nhưng, lúc đó thì bao nhiêu người lao động sẽ ra sao? Tôi cũng có một số bạn bè là doanh nhân, họ rất nhiều tiền, có nhiều lúc muốn buông bỏ công việc làm giàu vừa mệt mỏi, vừa thú vị, nhưng họ vẫn tiếp tục làm bởi nghĩ đến người lao động bao nhiêu năm gắn bó với mình. “Buông bỏ doanh nghiệp thì công nhân sẽ sống thế nào?”. Họ nói với tôi như thế, và họ coi công việc của mình, doanh nghiệp của mình mang lợi ích, mang niềm vui cho người khác cũng là hạnh phúc. Họ biết cân bằng cuộc sống và việc làm từ nhận thức mang lại hạnh phúc cho người khác thì cũng là mang về hạnh phúc cho chính mình.
Sự đời vẫn cứ diễn ra chuyện nghèo giữa chợ đông cũng bị khinh, giàu có ra hoang đảo ở vẫn có kẻ đến thăm. Nhưng, vốn đời không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời. Có nhiều tiền bạc, cần phải nói năng nhẹ nhàng, hạ giọng. Không tiền cũng đừng mặc cảm tự ti, mà phải nỗ lực, bởi phong thủy luân chuyển “ba mươi năm sông Hoàng Hà lại đổi chiều một lần”. Triết gia, nhà khoa học Benjamin Franklin nói rằng: “Với người nghĩ rằng tiền có thể làm được mọi thứ, ta có thể nghi ngờ anh ta làm mọi thứ vì tiền”. Kiếm nhiều tiền bạc và sử dụng tiền bạc để cuộc sống riêng hạnh phúc, hay hùn tiền để làm việc có ích cho cộng đồng đúng nơi đúng lúc là rất đáng trân trọng.
- 'Cần sớm xây khung pháp lý cho tài chính cá nhân'
- Bốn lớp tài sản phòng thủ được ưa thích trong tài chính cá nhân người Việt
- Tài chính 40 triệu, Tết 2024 nên chọn 4 mẫu xe ga nào?
- Yamaha ra mắt mẫu xe mới với diện mạo thể thao, trang bị cực xịn
- Ăn uống thế nào sau Tết để giảm cân an toàn và hiệu quả?
- 5 xu hướng thiết kế đồ họa nổi bật trong năm 2024
- Công nghệ và AI đang làm thay đổi ngành quảng cáo như thế nào?
- Phụ huynh phát ngại khi đưa con nhỏ đi chúc Tết
- Hơn 29.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong kỳ nghỉ Tết 2024