Thứ tư, 07/06/2023, 01:58 (GMT+7)

Người dân đổ xô mua thiết bị điện năng lượng mặt trời: Lắp sao để tối ưu cho hộ gia đình?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Tiếp thị Gia đình - Bước vào đợt cao điểm nắng nóng cùng tình trạng cắt điện luân phiên ở nhiều nơi khiến mặt hàng các thiết bị điện năng lượng mặt trời “cháy hàng”.

Những ngày trở lại đây, thời tiết Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung bộ nắng nóng kéo dài. Nền nhiệt nhiều nơi duy trì ở ngưỡng 35-39 độ C, thậm chí có thời điểm hơn 40 độ C. Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời cũng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh... gia tăng.

Trước tình hình thiếu điện ngày càng căng thẳng, nhiều địa phương xảy ra tình trạng liên tục mất điện do kế hoạch cắt điện luân phiên. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra ở nhiều địa bàn, bao gồm cả nội thành và ngoại thành. Trong ngày 6/6, các khu dân cư thuộc quận nội thành Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông hay tại các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Thạch Thất, Thị xã Sơn Tây... bị cắt điện hàng giờ, có những nơi bị cắt điện lúc nửa đêm; có những khu vực bị cắt điện cả sáng. 

53-110626_700
Mất điện liên tục nhiều gia đình tránh nóng tại các TTTM

Tại Bắc Giang, ban ngày tỉnh ưu tiên điện cho sản xuất, ban đêm ưu tiên điện cho dân sinh, sinh hoạt. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được cấp điện liên tục từ 7 giờ 45 phút đến 17 giờ để sản xuất. Sau khoảng thời gian này là khoảng thời gian cấp điện cho dân sinh, sinh hoạt. Phương án cấp điện này áp dụng trong 20 ngày.

Lo ngại cắt điện luân phiên giữa thời tiết nắng nóng nhiều gia đình đã chọn phương án thay mới nhiều loại thiết bị điện cũ bằng các thiết bị năng lượng mặt trời. Không chỉ tại các cửa hàng, trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, khách hàng đặt mua quạt hay đèn năng lượng mặt trời tích điện đều được báo trạng thái là "hàng đặt trước" hoặc hẹn giao hàng sau 5-10 ngày.

Kéo theo đó là giá sản phẩm cũng tăng lên chóng mặt, có những mặt hàng đã tăng tới vài trăm nghìn đồng so với thời điểm cách đây vài tháng. Hiện giá bán quạt năng lượng mặt trời dao động từ 900 – 1700 nghìn đồng; đèn năng lượng mặt trời có giá khoảng từ 200 nghìn đồng.

Mỗi chiếc quạt năng lượng mặt trời sẽ đi kèm theo một tấm pin mặt trời giúp hấp thụ ánh nắng và sản xuất điện năng để duy trì hoạt động. Tùy từng loại tấm pin, khi đặt ngoài ánh nắng mặt trời, bộ điều khiển của quạt sẽ nạp năng lượng vào pin, mất từ 4-6 tiếng. Sau khi pin được nạp đầy, quạt sẽ hoạt động trong 6-10 tiếng liên tục.

Tuy nhiên, hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều tấm pin có nguồn gốc không rõ ràng, kém chất lượng sẽ khiến công suất hoạt động của quạt kém đi, quạt chạy chập chờn, tuổi thọ giảm và gây ô nhiễm môi trường. Tuổi thọ của những loại pin này thường chỉ từ 2-3 năm, sau đó phải thay tốn chi phí không nhỏ.

Do đó, trên một số diễn đàn, nhiều gia đình đã chia sẻ dự định đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời để thắp sáng và sử dụng cho các thiết bị gia dụng trong gia đình như TV, tủ lạnh, máy giặt... Những băn khoăn phổ biến của họ khi bắt đầu đều là liệu khu vực của mình có đủ giờ nắng hay không, lắp đặt công suất thế nào cho tiết kiệm nhưng vẫn đạt hiệu quả sử dụng cao nhất.

Để tối ưu chi phí, thứ nhất việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời hộ gia đình cần chọn công suất theo nhu cầu sử dụng. Đối với phân khúc hộ gia đình, mục đích lớn nhất là giảm tối đa chi phí tiền điện sử dụng, nhu cầu tự dùng là chính nên các mức công suất 3 kWp, 5 kWp, 8 kWp và 10 kWp được đánh giá phù hợp. 

1351_1_ng
Ảnh minh họa

Người dùng nên chọn mức 3 kWp nếu chỉ để sử dụng cho một số thiết bị không thường xuyên như điều hòa, TV hoặc kết hợp với điện lưới trong một số tình huống cụ thể. Hóa đơn tiền điện hàng tháng khoảng 1-2 triệu đồng. Hiện mức này có chi phí khoảng 45 triệu đồng cho một hệ thống gồm tấm pin năng lượng mặt trời, biến tần inverter, vật tư lắp đặt. Ví dụ, nếu chỉ muốn “dùng thử” hoặc nhà ít người thì có thể lắp các hệ thống nhỏ gọn với công suất thấp 1 - 2kWp với giá 10 - 20 triệu đồng.

Còn các hệ thống 5-10 kWp phục vụ cho nhu cầu dùng điện nhiều hơn vào ban ngày, phù hợp với gia đình có hóa đơn tiền điện từ 2-4 triệu đồng mỗi tháng. Nếu dùng điện vào ban ngày nhiều hơn, người dùng có thể sử dụng mô hình điện mặt trời hòa lưới, không cần ắc-quy lưu trữ, tối ưu chi phí đầu tư.

Thứ hai, các hộ gia đình cần lưu ý vị trí lắp đặt tấm pin. Nên chọn mái nhà hoặc sân thượng là nơi phù hợp lắp đặt vì ở vị trí cao, nhận được lượng bức xạ nhiệt mặt trời lớn. Người dùng có thể chọn khu vực thoáng, ít bị bóng cây che khuất để lắp giàn pin năng lượng mặt trời. Theo SolarReviews, đối với các quốc gia ở Bắc bán cầu, nên nghiêng pin về hướng Nam, trong khi khu vực Nam bán cầu là hướng Bắc. Góc nghiêng tối ưu đối với các tấm pin bằng vĩ độ tại vị trí nơi đặt tấm pin. Chẳng hạn, TP HCM ở vĩ độ 10 độ, hướng sẽ là hướng Nam và nghiêng 10 độ.

Về bộ lưu trữ, loại dùng pin lithium-ion đang trở thành xu hướng do ưu điểm về tuổi thọ, tỷ trọng lưu trữ năng lượng cao, an toàn và ít tác động môi trường hơn so với các dạng khác. Tuy nhiên, chi phí cho pin này vẫn còn cao. Với tấm pin mặt trời, hiện có 2 loại là đơn tinh thể (mono) và đa tinh thể (poly). Theo các chuyên gia, các vùng miền núi nên chọn loại mono, vượt trội ở hiệu suất tối ưu và phù hợp với vùng có bức xạ mặt trời yếu. Ngược lại, nếu ở khu vực rộng rãi, nhiều nắng, người dùng có thể sử dụng pin poly vì giá "mềm" hơn.

Thứ ba, các hộ gia đình nên chọn thiết bị, đơn vị thi công lắp đặt uy tín và chú ý bảo trì hệ thống điện mặt trời. Việc chọn thiết bị hoặc đơn vị thi công uy tín giúp hệ thống vận hành lâu dài, đồng thời được hỗ trợ tối đa trong trường hợp gặp sự cố. Người dùng cần kiểm tra bụi bám, cây cối che hoặc lá cây, rác nằm trên bề mặt pin khoảng mỗi tháng một lần. Mỗi năm, tối thiểu 4 lần nên vệ sinh tấm pin để giữ cho bề mặt luôn sạch. Mỗi tấm pin hiện có tuổi thọ trung bình 25 năm.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục