Thế khó của Samsung trong cuộc chơi tất tay với smartphone màn hình gập
Smartphone màn hình gập hiện vẫn là một thị trường nhỏ, song các công ty như Samsung đang thúc đẩy sự phát triển của nó.
Samsung mới đây quyết định lần đầu tiên ra mắt chiếc điện thoại thông minh màn hình gập mới nhất của mình tại quê nhà Hàn Quốc thay vì làm điều này tại một thành phố nào đó ở nước ngoài. WSJ nói rằng, người dùng Hàn Quốc rất thích những thiết bị này. Tuy nhiên, họ dường như là nhóm người dùng duy nhất trên thế giới đón nhận chúng với số lượng lớn.
Cụ thể, tuần này, Samsung đã ra mắt chiếc Galaxy Z Fold 5 và Galaxy Z Flip 5 tại Seoul, Hàn Quốc. Những năm trước đó, Samsung thường tổ chức sự kiện ra mắt điện thoại cao cấp tại các thị trường lớn nhất của mình như New York, Barcelona, San Francisco hoặc Berlin.
Khi giới thiệu những phiên bản điện thoại màn hình gập đầu tiên vào năm 2019, Samsung nói rằng đây là những sáng tạo đột phá sẽ đưa người dùng “vào một chương mới của lịch sử mảng di động”. Samsung mong muốn có thể duy trì hoặc thậm chí mở rộng tệp người dùng điện thoại cao cấp của mình với những đổi mới về phần cứng mà iPhone của Apple chưa có.
Hiện tại, Samsung đang dẫn đầu phân khúc điện thoại gập khi chiếm tới hơn 80% tổng doanh số 14,2 triệu máy điện thoại gập bán ra trên toàn cầu trong năm ngoái. Phần còn lại chủ yếu đến từ những thương hiệu điện thoại Trung Quốc. Mặc dù vẫn đang tăng trưởng, thị trường điện thoại gập còn khá nhỏ khi sẽ chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 1% tổng doanh số điện thoại thông minh bán ra trên toàn cầu trong năm 2023, theo Canalys.
Ảnh hưởng của Samsung ở phân khúc smartphone cao cấp đang suy giảm rõ rệt. Thị phần điện thoại trên toàn cầu có giá từ 600 USD trở lên của hãng này giảm 9 điểm phần tram về 16% trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối năm 2022. Cùng kỳ, thị phần của Apple tăng từ 59% lên 72%.
Cho tới thời điểm này, Apple chưa công bố bất kỳ kế hoạch ra mắt điện thoại thông minh màn hình gập nào. Dù vậy, trong quá khứ, hãng từng tìm hiểu một số thiết kế cho loại thiết bị này, WSJ nói.
Một người phát ngôn của Samsung nói rằng, Samsung vẫn giữ mức cam kết cao với mảng điện thoại màn hình gập. Bên cạnh thị trường Hàn Quốc, Samsung ghi nhận doanh số điện thoại gập tăng hàng năm ở Châu Âu, Trung Quốc và Tây Nam Á.
Dẫn báo cáo của Counterpoint Research, Samsung nói rằng nhu cầu điện thoại màn hình gập sẽ vượt mốc 100 triệu USD vào năm 2027. Qua khảo sát 3.000 cá nhân, Counterpoint Research cho biết, 55% người dùng smartphone ở Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc bày tỏ sẵn sàng mua một chiếc điện thoại màn hình gập trong lần nâng cấp điện thoại tới.
Mua một chiếc điện thoại màn hình gập cần “nhiều niềm tin” khi mức giá của những chiếc điện thoại này khá cao, Tom Kang, giám đốc tại Counterpoint, nói. Bên cạnh đó, điện thoại màn hình gập cũng thiếu các ứng dụng đặc thù để mang lại trải nghiệm đột phá và “bù đắp” cho mức giá cao hơn điện thoại truyền thống. Do đó, điện thoại màn hình gập không phải lựa chọn đầu tiên khi nhiều người mua điện thoại cao cấp mới, Nicole Peng, Phó Chủ tịch cao cấp Canalyst, cho biết.
Dù vậy, WSJ nói rằng nhiều khỏa sát toàn cầu cho thấy người dùng muốn mua điện thoại màn hình gập nhưng cũng muốn mức giá thấp hơn.
Điểm sáng hiếm hoi là Hàn Quốc khi điện thoại màn hình gập chiếm tới 14% tổng doanh số điện thoại thông minh bán ra trong năm ngoái. Con số này thực sự ấn tượng so với tỷ trọng doanh số chỉ 2% ở một số thị trường lớn khác như Mỹ hay Châu Âu.
WSJ nhận định, Samsung có thành công này ở Hàn Quốc là nhờ lòng trung thành đối với thương hiệu của người dùng cùng với đó là các hình thức trợ giá từ nhà mạng khi mua điện thoại màn hình gập. Đây là chiến thuật mà Samsung có thể áp dụng tại bất kỳ thị trường nào, song nó có thể bào mòn lợi nhuận.
Mặc dù thị trường còn nhỏ, điện thoại màn hình gập ngày càng trở thành một sân chơi lớn hơn khi các thương hiệu cũng bắt đầu gia nhập. Các thương hiệu Trung Quốc như OPPO, Huawei, Xiaomi và Vivo đều đã ra mắt điện thoại màn hình gập. Đầu năm nay, Google cũng trình làng thiết bị màn hình gập đầu tiên có tên Pixel Fold. Google khẳng định, đây là chiếc điện thoại màn hình gập mỏng nhất ở Mỹ với mức giá tương tự Galaxy Z Fold 4.
Với Samsung, cạnh tranh ở mảng điện thoại gập không khác gì một con dao 2 lưỡi. Nó có thể thúc đẩy phân khúc sản phẩm này mở rộng và thúc đẩy tính hiệu quả trong chuỗi cung ứng, từ đó giúp giảm giá thành linh kiện. Nhiều thương hiệu sản xuất thiết bị này cũng giúp tăng nhu cầu màn hình gập, từ đó Samsung được hưởng lợi trong vai trò một nhà sản xuất màn hình. Cùng lúc, các đối thủ có thể khiến sự thống trị của Samsung lung lay.
Doanh số điện thoại màn hình gập toàn cầu được kỳ vọng chạm mốc 25 triệu máy trong năm nay. Dù vậy, thị phần của Samsung có thể sẽ giảm từ 65% xuống còn khoảng 60% vì nhiều thương hiệu khác gia nhập thị trường, Canalys dự đoán.
“Khi ngày càng có nhiều đối thủ gia nhập, câu hỏi không chỉ còn là tăng trưởng doanh số mà còn là liệu Samsung còn có thể dẫn đầu phân khúc điện thoại gập”, Peng nói thêm.