Sản xuất, kinh doanh phân bón giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cá nhân, tổ chức buôn bán phân bón giả thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù cao nhất có thể lên đến 10 năm đến 15 năm tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.
Cổng thông tin điện tử Cục QLTT Vĩnh Long đưa tin, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) vừa ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 77,1 triệu đồng đối với hộ kinh doanh phân bón giả, phân bón vi phạm quy định về nhãn và vi phạm về điều kiện kinh doanh.
Trước đó, ngày 18/7, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp V.T.H.M (huyện Vũng Liêm). Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 19 bao phân bón NP 20-20 trị giá 14.250.000 đồng trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; chủ hộ kinh doanh cũng không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; Đoàn kiểm tra tiến hành lấy một mẫu phân bón DAP gởi thử nghiệm chất lượng, lô hàng có số lượng 20 bao (loại 50 kg/bao) trị giá 16.600.000 đồng.
Căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ đối chiếu với quy định tại Nghị định 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ thì đây là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (do hàm lượng lân hữu hiệu chỉ đạt 1,39%). Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 lập biên bản vi phạm hành chính, trình Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm ban hành Quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
Ngày 5/8, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh V.T.H.M với tổng số tiền phạt là 77.100.000 đồng về 4 hành vi vi phạm: Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (do lô hàng lấy mẫu hộ kinh doanh đã bán hết cho người dân nên có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được tương đương với giá trị hàng hóa đã tiêu thụ là 16.600.000 đồng);
Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Ngày 06/8/2024 hộ kinh doanh đã chấp hành nộp phạt theo đúng quy định pháp luật.
Hành vi sản xuất buôn bán phân bón giả bị truy cứu hình sự?
1. Tại Điều 9 Luật Trồng trọt năm 2018 các hành vi cấm cá nhân, tổ chức thực hiện, bao gồm:
- Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán.
- Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
- Cung cấp thông tin về phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.
- Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng phân bón.
2. Chế tài đối với hành vi sản xuất buôn bán phân bón giả:
Căn cứ Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
+ Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
+ Buôn bán qua biên giới;
+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.5 tỉ đồng.
+ Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10-15 năm.
+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.5 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng.
+ Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng.
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Các trường họp trên đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
+ Bị phạt tiền từ 3 tỉ đồng đến 9 tỉ đồng.
+ Bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
+ Pháp nhân phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
+ Hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
Vậy cá nhân, tổ chức buôn bán phân bón giả thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù cao nhất có thể lên đến 10 năm đến 15 năm tùy theo tính chất, mức độ phạm tội./.