Rộn ràng khai mạc Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa năm 2023
(Tiếp thị gia đình) - Sáng ngày 31/1 (mồng 10 tháng Giêng), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa xuân Quý Mão 2023.
Tham dự có các ông: Dương Văn Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, cùng đông đảo du khách thập phương.
Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Lồng tồng là tiếng dân tộc Tày, dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là xuống đồng, đây là Lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người Tày ở vùng Việt Bắc, với ý nghĩa là sự mở đầu tốt đẹp cho một năm lao động nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản làng yên vui, no ấm.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhấn mạnh: Đã thành truyền thống, vào hai ngày mồng 9, mồng 10 tháng Giêng hằng năm, Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, tươi tốt...
Sau 3 năm phải tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hoá xuân Quý Mão 2023 được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc. Ngoài các nghi lễ truyền thống, cầu mùa, xuống đồng đầu năm còn có các hoạt động văn hóa, thể thao như: Hội trại xuân của các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Định Hóa; triển lãm ảnh; thi giã bánh giầy; ném còn; biểu diễn dân ca, dân vũ; các trò chơi dân gian...
Tại lễ hội, du khách sẽ được tham gia 3 không gian văn hóa đặc trưng gồm: Không gian văn hoá trà; không gian dân ca các dân tộc huyện Định Hoá; không gian các di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia kết hợp giới thiệu sản phẩm đặc trưng ATK Định Hóa.
Ngoài ra còn có các hoạt động, trò hội dân gian như: tung còn, múa lân sư rồng, múa võ cổ truyền, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê… Trong đó để chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn được chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20–30m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 – 60cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo.
Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa.Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời là dịp để giới thiệu và quảng bá về những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn ATK Định Hoá, Thái Nguyên.