Quảng cáo truyền thống tụt dốc, quảng cáo số lên ngôi
Hoạt động quản lý truyền thông, quảng cáo luôn bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số. Những thách thức đó được ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Xu hướng đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số cho ngành quảng cáo Việt Nam”.
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của quảng cáo Việt Nam
Chuyển đổi số từ lâu đã là cụm từ khá quen thuộc khi nhắc đến sự tồn tại, ứng dụng và phát triển của công nghệ số trong mọi mặt của đời sống. Đặc biệt đối với lĩnh vực quảng cáo, chuyển đổi số có ý nghĩa “sống còn”, không chỉ tiêu tốn ít nhân sự mà hiệu quả lại vô cùng vượt trội.
Tại Việt Nam, lĩnh vực quảng cáo đã phát triển từ rất sớm và đạt được những con số rất ấn tượng. Tính đến tháng 10/2022, tổng mức chi tiêu cho quảng cáo tại Việt nam ước đạt 2.192 tỷ USD, tăng hơn 12,7% so với năm 2021. Xét trên phạm vi Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 về doanh thu quảng cáo, trong đó tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2.
Trong những năm gần đây, phương tiện quảng cáo truyền thống tại Việt Nam đang có dấu hiệu tụt dốc và hồi phục rất chậm. Thay vào đó là sự “lên ngôi” của quảng cáo trên những nền tảng số như Facebook, Youtube, TikTok với số tiền ước tính lên tới 2.5 tỷ USD.
Chuyển đổi số trong quảng cáo đã và đang khẳng định vị thế của mình trong xu hướng phát triển chung của không chỉ Việt Nam mà còn cả thế giới. Những nhóm quảng cáo được tập trung nhiều nhất gồm Quảng cáo tìm kiếm, Quảng cáo mạng xã hội, Quảng cáo banner kỹ thuật số.
Tiềm năng phát triển đi đôi với những thách thức không hề nhỏ
Nền quảng cáo thế giới đang có những bước phát triển mạnh mẽ cùng với “người bạn” chuyển đổi số. Tuy nhiên, với nền tảng công nghệ hoàn toàn mới với nhiều nhiều tính năng và sự ứng dụng cao thì thách thức đặt ra cho mỗi nhà quản lý là vô cùng lớn.
Việc công chúng có thể tương tác trực tiếp với các nội dung trực tuyến với tốc độ phản hồi nhanh chóng khiến việc kiểm soát thông tin tiêu cực là vô cùng khó khăn. Cùng với đó, những yêu cầu về đội ngũ nhân sự sẽ ngày càng cao để có thể xử lý, cập nhật liên tục những thuật toán, tính năng của công cụ và các nền tảng liên quan.
Để có thể quản lý đội ngũ nhân sự cao cấp và chuỗi các hệ thống như CRM (Hệ thống quản trị khách hàng), ERP (Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), CMS (Hệ thống quản trị nội dung),... người quản lý cần có cái nhìn từ tổng quan đến sâu sắc hơn. Không chỉ vậy, việc kiểm soát và phân tích khối lượng dữ liệu số, chắt lọc dữ liệu truyền thông hay nắm bắt các hành vi số, ý thức số,….cũng là những thách thức không hề nhỏ.
Việc nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà hoạt động truyền thông quảng cáo là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, việc áp dụng những kết quả truyền thông để định hướng song hành cùng vấn đề kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp hay thay đổi, cải tiến chính sách của nhà nước,... một cách đúng đắn cho những giai đoạn tiếp theo lại là một bài toán lớn hơn nữa.
Thách thức về nguồn tài nguyên nhân sự đòi hỏi quốc gia phải có những chiến dịch, kế hoạch để nâng cao năng lực chuyên môn, tạo khả năng thích ứng và vận dụng linh hoạt trước những công nghệ mới. Những nền tảng số luôn có những quy định và chế tài riêng biệt, việc nắm bắt và liên tục cập nhật cũng là một trong những điều hết sức chú ý.
Thách thức mang tính đặc thù của quốc gia
Không chỉ dừng lại ở những thách thức khách quan, thách thức mang tính đặc thù của quốc gia chính là điều vô cùng đáng lo ngại. Trước tiên khi nói về công tác phổ biến, nâng cao nhận thức về việc triển khai Phát triển ngành công nghệ văn hóa theo Quyết định Quyết định 1755/TTg chưa được sâu rộng. Kế hoạch không chỉ mơ hồ, nặng về lý thuyết mà chỉ tiêu phấn đấu mỗi giai đoạn không đầy đủ tạo khó tạo động lực phấn đấu.
Thứ hai, việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn yếu gây khó khăn cho việc hoạch định kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn. Và cuối cùng, khi nói đến các doanh nghiệp trong nước thì thực trạng lại không mấy khả quan khi chỉ chạy theo bản năng, trào lưu mà thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường gây lãng phí tiền của mà lại không đem lại kết quả như mong đợi.
Để bắt kịp nền quảng cáo thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số, quảng cáo Việt Nam còn cần phải nỗ lực, cố gắng rất lớn. Sự chung tay, vào cuộc sẽ không chỉ đến từ phía các đơn vị chuyên trách mà còn là của mỗi doanh nghiệp, cá nhân.