Quảng cáo iPad Pro mới của Apple bất ngờ gây tranh cãi
Muốn nhấn mạnh độ mỏng của chiếc iPad Pro, Apple đã tung ra một quảng cáo mang đến cho người xem nhiều cảm xúc bất ngờ và thậm chí tiêu cực.
Mới đây, một quảng cáo của Apple cho chiếc máy tính bảng iPad Pro mà hãng này mới trình làng đã nhận được không ít ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Trong quảng cáo này, Apple thể hiện hình ảnh chiếc máy thuỷ lực ép nát nhiều nhạc cụ, dụng cụ nghệ thuật và đồ chơi thành một chiếc iPad Pro.
Điều Apple muốn gửi gắm trong quảng cáo này là việc iPad là sự kết hợp của nhiều dụng cụ, công cụ khác nhau trong một kích thước cực kỳ mỏng. Theo báo cáo của The Drum, quảng cáo này được đội ngũ marketing của chính Apple lên ý tưởng sản xuất.
Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), nhiều người dùng phản ứng lại trước chia sẻ của Tim Cook về quảng cáo này. Họ cho rằng Apple đang nghiền nát “những dụng cụ sáng tạo đẹp đẽ” và “biểu tượng của sự sáng tạo nhân loại và các thành tựu văn hoá”.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong ngành quảng cáo cũng cho rằng quảng cáo mới của Apple là một bước “hụt chân” của hãng này. Christopher Slevin, giám đốc sáng tạo của công ty marketing Inkling Culture, nói rằng quảng cáo iPad Pro gây tranh cãi không khác gì một quảng cáo khác của Apple mang tên gọi “1984” dành cho dòng máy tính Macintosh đời đầu. Trong quảng cáo này, Apple xây dựng hình ảnh như một người khai phá một thế giới đơn điệu, tăm tối.
Dù vậy, Richard Exon, người sáng lập công ty marketing Joint, lại thể hiện quan điểm tích cực về quảng cáo này: “Câu hỏi quan trọng hơn là: quảng cáo này có hiệu quả không? Nó khiến người ta nhớ ngay tới nhờ sự độc đáo và giờ thì tôi biết là iPad Pro mỏng chưa từng có”.
Nền tảng thông tin tiêu dùng Zappi cũng thực hiện một nghiên cứu khách hàng về quảng cáo của Apple và cho thấy người dùng đại trà cũng có các quan điểm khác nhau. Zappi cho biết quảng cáo của Apple không hiệu quả ở các cảm giác thường được nhiều nhà quảng cáo theo đuổi như hạnh phúc hay niềm vui. Dù vậy, nó tỏ ra rất hiệu quả ở các cảm xúc tiêu cực như bất ngờ. Những người dùng nhiều tuổi thường có nhiều cảm xúc về quảng cáo này hơn người trẻ tuổi.