Những dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ
Để hiểu rõ hơn về Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ cũng như phương pháp chăm sóc và nuôi dạy trẻ, Tiếp thị & Gia đình có bài phỏng vấn ông Trần Văn Dương – Giám đốc Trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em chậm phát triển ATC để hiểu rõ hơn về Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Ông có thể chia sẻ về tình trạng trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ hiện nay?
Ông Trần Văn Dương: Tình trạng trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo ước tính của Mạng lưới theo dõi Người khuyết tật Tự kỷ và CDC tại Mỹ, tỷ lệ trẻ từ 3-17 tuổi được chẩn đoán mắc các rối loạn phát triển đã tăng từ 16,2% trong giai đoạn 2009-2011 lên 17,8% trong giai đoạn 2015-2017.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Hội thảo Khoa học "Chiến lược toàn diện trong quản lý trẻ tăng động giảm chú ý" năm 2021, tỷ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2% đến 9,3%. Nghiên cứu của tác giả Trần Văn Công và Nguyễn Thị Hoàng Yến (2017) cũng ước tính tỷ lệ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam từ 0,5% đến 1%. Những con số này cho thấy sự gia tăng đáng kể và đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ em có rối loạn phát triển.
Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ?
Ông Trần Văn Dương: Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác của rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố được cho là có liên quan. Đầu tiên, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng, với các gen liên quan đến thần kinh có thể bị ảnh hưởng nếu trong gia đình có người thân mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Thứ hai, trong quá trình mang thai, nếu người mẹ thường xuyên căng thẳng hoặc tiếp xúc với các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, nguy cơ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ có thể tăng cao. Ngoài ra, các yếu tố môi trường, gia đình, và các bệnh lý liên quan cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Ông có thể cho biết những dấu hiệu nào giúp phụ huynh nhận biết trẻ có rối loạn phổ tự kỷ?
Ông Trần Văn Dương: Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, được đặc trưng bởi hai yếu tố chính: Suy giảm khả năng giao tiếp và tương tác xã hội, cùng với các hành vi và sở thích hạn chế, định hình và lặp lại. Một số dấu hiệu nhận biết sớm bao gồm: trẻ hạn chế giao tiếp bằng mắt, không phân biệt rõ ràng giữa người lạ và người quen, thường thu mình lại khi đi học, ít giao tiếp với bạn bè và thầy cô.
Trẻ có thói quen chơi với một món đồ chơi nhất định, thích các hoạt động mang tính rập khuôn, định hình và lặp lại. Về mặt ngôn ngữ, trẻ có biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ, khó khăn trong việc sử dụng lời nói để thể hiện nhu cầu.
Những dấu hiệu sớm mà phụ huynh cần lưu ý bao gồm: không đáp lại bằng nụ cười hoặc biểu cảm vui vẻ, không bắt chước âm thanh hoặc nét mặt của người lớn, không cử chỉ khi đã 14 tháng tuổi, không nói được một từ nào khi đã 16 tháng, không nói được cụm từ có hai từ khi đã 24 tháng, và mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở mọi lứa tuổi.
Phương pháp can thiệp nào cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ đang được áp dụng tại Hệ thống Trung tâm ATC?
Ông Trần Văn Dương: Hiện nay, tại Hệ thống Trung tâm ATC, chúng tôi áp dụng nhóm các phương pháp can thiệp dựa trên thực chứng, tức là các phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả qua các nghiên cứu và đánh giá.
Một số phương pháp tiêu biểu bao gồm: Nhóm can thiệp dựa trên hành vi như phân tích hành vi ứng dụng (ABA), điều trị phản hồi then chốt (PRT), hỗ trợ hành vi tích cực (PBS), và dạy theo tình huống tự nhiên.
Nhóm can thiệp dựa trên trị liệu: Đào tạo giao tiếp chức năng (FCT), sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, và hệ thống giao tiếp trao đổi tranh (PECS).
Nhóm can thiệp tiếp cận theo sự phát triển: Mô hình phát triển xã hội - thực dụng (DSP), can thiệp phát triển mối quan hệ (RDI), và dạy học đáp ứng.
Nhóm can thiệp tổng hợp: Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM), mô hình SCERTS, và các hoạt động dạy trẻ tự kỷ TEACCH.Chúng tôi luôn nỗ lực kết hợp các phương pháp này để đảm bảo mỗi trẻ đều nhận được sự can thiệp phù hợp và hiệu quả nhất.
Phụ huynh cần phối hợp như thế nào để chăm sóc và giáo dục trẻ có rối loạn phổ tự kỷ?
Ông Trần Văn Dương: Gia đình đóng vai trò quyết định trong quá trình can thiệp và phát triển của trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Cha mẹ là người hiểu rõ nhất về những nhu cầu riêng biệt của con, và họ cũng là người đầu tiên có thể tạo cơ hội giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của nhiều phụ huynh về việc chăm sóc và can thiệp cho trẻ tự kỷ còn hạn chế. Nhiều cha mẹ vẫn chưa chấp nhận rằng con mình mắc rối loạn phổ tự kỷ, dẫn đến việc phát hiện và can thiệp sớm gặp nhiều khó khăn.
Sự tham gia của phụ huynh trong quá trình can thiệp và giáo dục cho con là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn, cơ sở can thiệp để đảm bảo tiến trình can thiệp được thực hiện hiệu quả. Đồng thời, cha mẹ cũng cần chú ý đến việc tổ chức đời sống cá nhân, duy trì mối quan hệ gia đình bền vững để có thể đồng hành cùng con trong suốt quá trình này. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các nhà chuyên môn mà còn là trách nhiệm của cả gia đình trong việc giúp trẻ tự kỷ phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Cảm ơn ông Trần Văn Dương đã chia sẻ những thông tin quý báu này với độc giả của chúng tôi.
Hệ thống Trung tâm Tư vấn Giáo dục và Trị liệu Trẻ em ATC (Trung tâm ATC), được biết đến như một nơi tiên phong trong việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm nói, khuyết tật trí tuệ và các rối loạn phát triển thần kinh khác.
Trung tâm ATC không chỉ mang lại hy vọng mà còn tạo điều kiện giúp trẻ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Cuộc trò chuyện ông Trần Văn Dương, người sáng lập và điều hành trung tâm ATC sẽ giúp bạn hiểu thêm về công việc và sứ mệnh đội ngũ nơi đây đang thực hiện.