Những côn trùng từ đồng ruộng rả rích lên mâm cơm
Những loài côn trùng xấu xí và có phần ghê rợn lại là món đặc sản của nhiều địa phương dẫu có người thích, kẻ chê. Dẫu vậy, những loài côn trùng này vẫn cứ rả rích trên mâm cơm.
Xôi trứng kiến
Đây là món ăn không dành cho người yếu tim. Để làm món xôi trứng kiến yêu cầu sự công phu từ khâu chọn trứng cho đến cách chế biến. Trứng kiến được chọn làm xôi phải là loài kiến đen, to trên tổ cây. Những hạt trứng nhỏ li ti trong suốt được đãi nhẹ với nước ấm, để ráo rồi ướp với bột canh, hành khô và phi với mỡ cho tới khi vàng ươm, thơm lừng. Sau đó mới dùng lá chuối ngự gói trứng kiến để mùi thơm của trứng lẫn với hương của lá chuối.
Đặt chõ lên bếp, nấu cho xôi chín, bắc ra, mở gói trứng kiến ra rắc đều lên trên, dùng đũa xới nhẹ cho tơi, đơm lên đĩa ăn nóng. Xôi nếp dẻo thơm phưng phức, trứng kiến béo ngầy ngậy, nhai chậm lắng nghe tiếng trứng kiến vỡ tanh tách trong miệng, thoáng hơi mỡ gà, hành phi và hương thơm lá chuối ngự. Thử hỏi trên đời còn thứ gì ngon hơn.
Bọ xít rang lá chanh
Với nhiều người, đây thực sự là một món ăn kinh dị mà không phải ai cũng can đảm để đặt lên mâm cơm. Thế nhưng với nhiều người, món ăn này lại là thứ đặc sản thơm ngon khó cưỡng. Với vẻ ngoài xấu xí, có phần ghê rợn nhưng thực chất bọ xít lại chứa nhiều dưỡng được tạo do sống dựa vào tinh chất của cây.
Để chế biến món bọ xít rang lá chanh, trước tiên bỏ xít cần được ngắt bỏ đuôi, sau đó mang ngâm nước muối trong vài giờ để khử mùi hôi rồi đổ vào nước măng chua, đun cạn nước. Sau khi để ráo nước, bọ xít được cho lên chảo rang đều tay với lửa nhỏ, kèm theo lá chanh và một xíu gia vị vừa ăn. Chưa đầy 3 phút đã có món bọ xít lá chanh giòn tan, ngọt bùi tan trọng miệng cùng màu vàng ruộm vô cùng bắt mắt. Thế nhưng, phải thật lỳ gan mới dám thưởng thức món ăn đậm chất đồng ruộng này.
Châu chấu rang lá chanh
Châu chấu trong ký ức của nhiều người là một phần tuổi thơ dữ dội, là đầu không đội nắng đọ bắt từng con châu chấu với đứa bạn hay gan lỳ hơn là biến châu chấu trở thành món ăn chơi giòn tan, bắt miệng. Châu chấu có vị bùi bùi nửa như dế mèn chiên giòn, nửa giống tép rang. Châu chấu sau khi được xử lý sạch sẽ, để ráo nước sẽ được rang khô với lá chanh và sả, nêm thêm ít nước mắm cho đến khi vàng ươm. Vị châu chấu rang bùi bùi, thơm thơm là món ăn ưa thích của nhiều người nhưng cũng là một thử thách ẩm thực khó nhằn đối với những ai yếu tim.
Bọ cạp chiên giòn
Là loại côn trùng cực độc thế nhưng với dân nhậu đây là món mồi bắt vị. Đây cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng Bảy Núi, An Giang. Dẫu vậy, bọ cạp nguyên con với đôi càng đầy thách thức vẫn là món ăn thử thách sự gan dạ của nhiều thực khách. Chúng là những chú bò cạp nuôi và hoàn toàn không có độc. Phần thân bỏ giòn bên ngoài, béo ngậy bên trong. Phần càng tách ra ăn như thịt cua. Ngoài ra, bọ cạp còn có công dụng rất tốt cho thần kinh, giảm đau đầu. Vì vậy, món ăn này cũng được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Ấu trùng ong
Ấu trùng ong hay sâu ong là côn trùng chứa nhiều vitamin, protein, muối khoáng, đường và axit amin. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, ấu trùng ong được chế biến thành nhiều món ăn. Người ta cho ấu trùng ong, hành khô, gừng tươi và lá chanh cắt nhỏ vào mỡ nóng già trong chảo. Ấu trùng ong thơm thơm, béo ngậy sẽ mang lại hương vị khó cưỡng. Dù chứa nhiều dinh dưỡng nhưng theo các nhà khoa học thì ong đất rất độc nên khi chế biến cần làm đúng phương pháp. Theo đó, tốt nhất không nên tự chế biến món ăn này nếu chưa biết chính xác cách làm.
Nhộng tằm rang
Nhộng tằm là món ăn phổ biến hơn so với những món ăn được chế biến từ những loài côn trùng khác. Người ta thường chế biến nhộng tằm bằng cách rang cùng lá chanh để làm tăng mức độ hấp dẫn của món ăn. Nhộng tằm khi ăn có vị bùi bùi, dễ ăn. Về mặt dinh dưỡng, nhộng tằm là món ngon giàu chất dinh dưỡng.
Bọ hung
Là đặc sản của thiên nhiên nên bọ hung đã đi vào đời sống ẩm thực, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng cao không biết từ bao đời và trở thành món ăn thường ngày của người dân miền núi phía Bắc, đặc biệt là người Thái. Không phải bọ hung nào cũng ăn được mà phải là loại sống ở phân trâu trên rừng, những loại khác thì không thể làm món ăn được.
Những con bọ hung nhỏ bằng đầu ngón tay được mang về nuôi trong thùng 1-2 ngày với cám gạo để thải ra hết phân trâu trong ruột. Khi ấy, ruột bọ hung hoàn toàn sạch và có thể đem đi chế biến. Tương tự với cách chế biến của bọ xít, bọ hung được mang xào măng hay rang lên nhắm rượu hoặc ăn cùng cơm.
Sâu tre
Sâu tre hay còn gọi là sâu măng, là món ăn phổ biến ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu hay vùng miền núi Mường Lát (Thanh Hóa). Thế nhưng sâu tre không phải cứ muốn là có, thích là mua được mà nó chỉ xuất hiện vào vào mùa Thu và ngon nhất vào tháng 9-10 âm lịch.
Sâu tre có thể chế biến thành nhiều món ngon nhưng đơn giản nhất, ngon nhất là sâu tre rang giòn với lá chanh, cuốn là lốt chấm nước măng chua. Để chế biến sâu tre, sau khi rửa sạch, để ráo nước thì mang phi thơm với tỏi, đợi dầu sôi, tỏi vàng ươm thì trút sâu tre vào, để lửa lớn rồi đảo nhanh tay, khi sâu giò vàng thì cho thêm lá chanh thái sợi, đảo đều rồi trút ra đĩa. Vị gòn ngậy của sâu tre, vị thơm nồng của lá lốt và vị chua dịu, thanh thanh của măng chua là sự kết hợp hoàn hảo đánh thức vị giác thực khách.
Món ăn được chế biến từ những loài côn trùng vẫn luôn là thách thức đối với những người yếu tim. Thế nhưng, đây lại là thứ đặc sản ở nhiều địa phương, hàm chứa nhiều chất dinh dưỡng.