Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, công trình 11.000 tỷ đồng tiếp tục bị dột
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất tiếp tục bị dột khi mưa lớn, khiến hành khách bức xúc và dấy lên nghi vấn về chất lượng công trình 11.000 tỷ đồng.
Sân bay Liên Khương sẽ đóng cửa 6 tháng?
Hướng dẫn hành khách di chuyển đến nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Siêu xe Hồng Kỳ chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gì bên trong?
Trưa 24/5, trong cơn mưa lớn tại TP.HCM, Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lại tiếp tục xảy ra tình trạng dột nước, chỉ sau chưa đầy một tháng đi vào hoạt động. Nước mưa chảy thành dòng từ các khe mái, làm ướt khu vực kiểm tra vé và băng chuyền hành lý, khiến nhiều hành khách ngỡ ngàng và lo lắng về chất lượng của công trình hàng chục ngàn tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây là lần thứ hai hiện tượng này xảy ra kể từ khi nhà ga chính thức hoạt động ngày 30/4. Trước đó, vào ngày 7/5, chỉ vài ngày sau lễ khánh thành, khu vực nhà ga đã từng dột nghiêm trọng khi trời mưa lớn. Hình ảnh nhân viên sân bay dùng xô, chậu hứng nước từng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, gây nhiều tranh cãi.
Khi ấy, đại diện Ban quản lý dự án giải thích nguyên nhân là do nắng nóng làm lớp keo silicon trên mái kính bị bung, tạo khe hở. Tuy nhiên, đến nay – trong điều kiện thời tiết hoàn toàn bình thường – hiện tượng dột nước vẫn tái diễn, cho thấy lời giải thích này khó thuyết phục.
Nhà ga T3 là công trình trọng điểm do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Công trình gồm nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn. Với diện tích sàn hơn 112.000 m² và công suất 20 triệu hành khách nội địa mỗi năm, nhà ga được kỳ vọng sẽ giảm tải cho T1 và nâng tổng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt/năm.
Tuy nhiên, việc liên tục xuất hiện sự cố dột nước ngay từ những cơn mưa đầu mùa đang làm dấy lên nghi vấn về chất lượng thi công, giám sát và nghiệm thu công trình. Nhiều chuyên gia cho rằng, với một dự án quy mô như T3, việc không lường trước được các yếu tố thời tiết – đặc biệt là co ngót vật liệu – là điều khó chấp nhận. Nếu đúng như lời đại diện ban quản lý từng nói, thì cần xem lại năng lực đơn vị thi công cũng như trách nhiệm giám sát của chủ đầu tư.
Hiện ACV chưa đưa ra phản hồi chính thức về sự cố mới nhất. Trong lúc đó, hành khách vẫn phải trải qua tình cảnh "né nước" khi xếp hàng làm thủ tục – một hình ảnh đáng thất vọng tại nhà ga được quảng bá là hiện đại bậc nhất Việt Nam.