Thứ bảy, 20/04/2024, 16:22 (GMT+7)

Trước hàng loạt đối thủ, liệu Grab có thể duy trì vị thế dẫn đầu ở cuộc đua gọi xe?

Grab có khoảng 70% thị trường gọi xe Đông Nam Á, song liệu hãng này có thể duy trì được vị thế trước hàng loạt công ty cũng đang tham gia thị trường sôi động này?

Nắm trong tay khoảng 70% thị phần, không có gì bất ngờ khi khẳng định Grab đang là “ông vua” gọi xe tại Đông Nam Á. Dù vậy, các đối thủ của Grab không ngồi yên. Ở mảng gọi xe trong khu vực, nhiều diễn biến mới như gọi vốn, IPO hay mở rộng vẫn liên tục diễn ra.

Ở Việt Nam, các công ty nội địa như Be Group hay GSM đang phả hơi nóng vào Grab. Đầu năm nay, Be Group gọi vốn thành công 30 triệu USD, trong khi đó GSM tạo luồng gió mới bằng cách liên tục mở rộng số lượng xe điện mà mình sở hữu.

Tada (Singapore) cũng bắt đầu hoạt động tại Thái Lan, một thị trường còn nhiều tiềm năng, nơi công ty này hướng tới mục tiêu tăng trưởng tốc độ cao. Trong khi đó, Ryde trở thành công ty gọi xe Singapore đầu tiên niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Dung lượng thị trường gọi xe Đông Nam Á được dự đoán sẽ chạm mốc giá trị 10,5 tỷ USD vào năm 2028. Liệu các đối thủ có thể cản bước thống trị của Grab?

Vị thế của Grab ở cuộc chơi gọi xe

-1x-1
Grab đang là công ty gọi xe dẫn đầu Đông Nam Á. (Ảnh: Bloomberg).

Tham gia vào cuộc chơi gọi xe mang theo một bài toán con gà – quả trứng kinh điển: Để tăng mức độ đáng tin cậy mà người dùng mong muốn, bạn cần một số lượng đủ lớn và ổn định các tài xế hoạt động trên nền tảng. Dù vậy, để thu hút được nhiều tài xế không dễ nếu bạn không có lượng người dùng đủ lớn. Kết quả là việc thu hút cả người dùng và tài xế là cuộc chơi đòi hỏi rất nhiều vốn.

Đây là điểm mạnh của Grab bởi công ty này được hưởng lợi từ một giai đoạn lãi suất thấp kéo dài từ năm 2008 đến đầu năm 2022. Trong khoảng thời gian này, Grab kêu gọi được 16,5 tỷ USD vốn đầu tư. Công ty này thâm nhập vào mảng gọi xe ở thời điểm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cực kỳ dồi dào và các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng hứa hẹn.

Dù vậy, đây chỉ còn là câu chuyện của quá khứ bởi thời kỳ “dòng tiền dễ dãi” đã kết thúc.

Các nhà đầu tư sẽ không chi tiền cho một công ty gọi xe khác theo cách mà họ đã làm với Grab “trừ khi có một thay đổi hấp dẫn trong cách cung cấp dịch vụ, ví dụ như dùng xe tự lái”, Christopher Quek, đối tác điều hành Trive Venture Capital, nói với Tech in Asia.

Về phần mình, dĩ nhiên Grab cũng không ngủ quên trên chiến thắng. Công ty này liên tục triển khai các dự án mới và đầu tư vào mảng dịch vụ di chuyển.

Công ty này mới đây giới thiệu tính năng gọi xe theo nhóm ở Singapore. Tính năng này cho phép hành khách lên kế hoạch chuyến đi cùng nhau và nhận cập nhật về chuyến đi theo thời gian thực. Grab cũng đang phát triển tính năng chia tiền/hoá đơn để người dùng không cần phải làm việc này thủ công.

Ngay cả khi Grab giảm chi khuyến khích (incentive) cho các lĩnh vực kinh doanh mà mình tham gia (tổng chi khuyến khích của Grab trong năm 2023 giảm 19% so với năm 2022), hãng này vẫn tăng chi cho mảng kinh doanh dịch vụ di chuyển. Với mảng này, chi khuyến khích của Grab vẫn tăng 29,5% so với năm 2022. Dù vậy, khoản đầu tư này dường như vẫn mang lại trái ngọt. Tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) mảng di chuyển của Grab tăng 32% trong năm 2023, tốc độ tăng cao hơn tốc độ chi khuyến khích.

Bên cạnh đó, Grab cũng vẫn đang cực kỳ tập trung vào thị trường Đông Nam Á bất chấp vị trí thống trị tại đây.

Những mô hình thu phí trung gian mới

Trong khi Grab dẫn đầu, các đối thủ đang thử nghiệm nhiều mô hình mới mang đến nhiều lựa chọn hơn cho cả người dùng và tài xế mặc dù điều này không nhất thiết phải thách thức vị thế thống trị của Grab.

Tỷ lệ phí trung gian cao luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các tài xế Grab. Để giải quyết những lo ngại như vậy, các công ty như Tada và Ryde đang đưa ra mức phí trung gian bằng 0, đồng nghĩa với việc cho phép tài xế giữ lại toàn bộ khoản thanh toán cho mỗi chuyến đi hoàn thành. Ngược lại, Grab tính phí hoa hồng lên tới 20%.

Nhưng hoạt động theo mô hình không phí trung gian có thể không khả thi về mặt tài chính trong dài hạn. Các công ty có thể gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí trừ khi họ có cách kiếm tiền thay thế, Tech in Asia nói.

Ví dụ, Tada thu một khoản phí nền tảng nhỏ cố định và các tài xế sẽ được thưởng thêm khi nhận đánh giá tích cực từ người dùng. Cách làm này giúp Tada thu hút được các tài xế một cách tự nhiên cùng “số chuyến xe tăng trưởng gần 4 lần mỗi năm trong suốt bốn năm qua”, Kay Hoo, CEO kiêm người sáng lập MVLLabs, nói.

GSM cũng có cấu trúc lương cố định và khoản thưởng cho mỗi chuyến đi cho tài xế. Chiến lược này giúp GSM có “gần 20% thị phần thị trường gọi xe ở Việt Nam” chỉ trong 7 tháng hoạt động, Thanh Nguyen, CEO của GSM, chia sẻ.

Mặc dù cấu trúc lương này tạo cảm giác yên tâm cho các tài xế, nó cũng có điểm trừ. Lái xe cho GSM không linh hoạt như Grab khi tài xế không được thoải mái lựa chọn lịch trình làm việc, theo một phân tích của Le Hong Hiep, một nhà nghiên cứu tại viện Yusof Ishak.

Về phần mình, Grab cũng đang tìm cách giải quyết các lo lắng của tài xế về phí trung gian. Ở Singapore, hãng này đang áp dụng hình thức phí trung gian linh hoạt thay vì cố định. Điều này có nghĩa là mức phí trung gian có thể thay đổi theo mỗi chuyến đi và sẽ thấp hơn khi tài xế di chuyển xa hơn. Grab cũng cho biết sẽ điều chỉnh cấu trúc phí mới dựa trên phản ứng thực tế.

Nhiều hoạt động hợp nhất sẽ diễn ra

Mặc dù nhiều công ty đang cố gắng dành một phần thị phần từ tay Grab, chưa công ty nào đạt được quy mô đủ lớn để đối đầu trực tiếp với hãng gọi xe này.

Thay vào đó, một số đang tìm kiếm các quan hệ đối tác nhằm tạo ra ảnh hưởng cụ thể tại từng quốc gia đối với hoạt động của Grab.

Shekhar Jaiswal, nhà phân tích của RHB Banking Group, nhận định: “Vẫn có cơ hội để những công ty thích hợp ở từng quốc gia cụ thể tăng cường được độ cạnh tranh. Tuy nhiên, khi nói đến trải nghiệm liền mạch bằng một ứng dụng duy nhất, Grab khó có thể bị đánh bại”.

Nhận thức được điều này, Be Group đã hợp tác với GSM tại Việt Nam. Đây có thể coi đây là động thái chiến lược nhằm chống lại Grab tại thị trường này. GSM cũng đã mở rộng sang Lào vào năm ngoái, thâm nhập vào một thị trường mà cả Grab và Gojek đều chưa có mặt.

Bolt của Estonia cho đến nay chưa thực hiện bất kỳ thương vụ M&A quan trọng nào, nhưng công ty này sẽ không nói không các thương vụ mua lại. Theo người sáng lập và CEO Markus Villig, công ty vẫn chưa tìm được doanh nghiệp nào “đáp ứng được các tiêu chí mua lại”.

Không chịu thua kém, Grab cũng đang trong quá trình mua lại Trans-Cab, nhà khai thác taxi lớn thứ ba của Singapore, trong thương vụ sẽ giúp họ kiểm soát hơn 2.200 xe taxi và hơn 300 phương tiện cho thuê tư nhân.

Tuy nhiên, việc mua lại đang được Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore xem xét. Việc thực hiện các giao dịch mua lại sẽ khó khăn hơn đối với một công ty chiếm ưu thế như Grab, do sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý nhằm bảo vệ sự cạnh tranh.

Trong mọi trường hợp, ông Quek của Trive Venture Capital lưu ý rằng các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe nhỏ hơn không cần thiết phải nhắm đến việc vượt mặt Grab. “Việc hợp lý hơn là thực hiện chiến lược theo chân công ty dẫn đầu và đạt được một thị phần có ý nghĩa và hướng tới lợi nhuận”, ông nói.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục