Thứ hai, 07/04/2025
logo
Cần biết

Nấc cụt kéo dài dấu hiệu của bệnh gì?

Pha Lê Chủ nhật, 06/04/2025, 20:51 (GMT+7)

Cụ ông 68 tuổi (người Campuchia) đến Bệnh viện ở Việt Nam khám trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống khó khăn do chứng bệnh trào ngược dạ dày nặng và nấc cụt kéo dài hơn 10 năm.

Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh: Bệnh nhân bị thương tay trái, bệnh viện chụp phim, bác sỹ kết luận cho tay phải

Hành trình vượt bạo bệnh tới người truyền lửa cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và Bệnh viện Mắt quốc gia Singapore hợp tác hội chẩn cho các ca bệnh khó về giác mạc

Theo đó, người bệnh là ông H.V (68 tuổi) đến thăm khám trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống khó khăn và nôn ói. Tìm hiểu thông tin bệnh sử, người bệnh cho biết đã có tiền sử nhiều năm mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp vô căn.

 Ngoài ra, hơn 10 năm qua ông thường xuyên bị nấc cụt và trào ngược dạ dày, nhưng do chủ quan nên ông đã không đi thăm khám. Chỉ đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, mới nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán ông V. mắc thoát vị khe hoành, một bệnh lý tiêu hóa thường gặp có nguy cơ biến chứng cao. Hiểu đơn giản, thoát vị là khi một bộ phận trong cơ thể bị đẩy ra khỏi vị trí vốn có của nó. Bình thường, dạ dày nằm dưới cơ hoành, là một cơ mỏng hình vòm, có vai trò ngăn cách lồng ngực và ổ bụng. Trong cơ hoành có một lỗ nhỏ gọi là khe hoành, nơi thực quản đi qua để đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Tuy nhiên, khi người bệnh mắc thoát vị khe hoành, một phần dạ dày bị đẩy lên trên, chui qua khe này và tràn vào lồng ngực.

Ths.Bs.CKII Nguyễn Trung Đương, Phó khoa Ngoại tổng hợp, cho biết: “Thoát vị khe hoành (dạng thoát vị trượt) là bệnh lý thường gặp ở những người lớn tuổi, xảy ra khi những mô cơ xung quanh khe hoành trở nên suy yếu, khiến các cơ quan ở ổ bụng trượt lên lồng ngực. Đây là dạng thoát vị hoành phổ biến nhất, thường đi kèm với triệu chứng trào ngược dạ dày, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Nếu không phát hiện sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, hoại tử ruột, xoắn ruột, viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người bệnh”.

Ê kíp phẫu thuật tại phòng mổ.

Dựa trên kết quả nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng, bác sĩ Đương chẩn đoán ông V. bị viêm teo niêm mạc dạ dày, thoát vị khe hoành và trào ngược dạ dày thực quản. Sự chèn ép lên cơ hoành (cơ phân chia ngực và bụng) và dây thần kinh hoành (dây thần kinh kiểm soát hoạt động hô hấp) gây co thắt cơ hoành, dẫn đến nấc cụt kéo dài. Đồng thời, axit dạ dày trào ngược lên thực quản cũng gây kích thích dây thần kinh, làm cho tình trạng nấc cụt kéo dài hơn.

 Bác sĩ Đương còn cho biết: “Mục tiêu điều trị thoát vị hoành là không chỉ kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh, mà còn giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm".

Với tình trạng của ông V. các bác sĩ đã chỉ định phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị khe hoành. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, ê kíp đã thành công khâu khép khe cơ hoành, tạo hình tâm vị chống trào ngược Nissen cho người bệnh. Đây là phương pháp không chỉ giúp ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên thực quản, mà còn tăng cường chức năng cơ vòng thực quản dưới, giảm các triệu chứng khó chịu do trào ngược và hạn chế nguy cơ biến chứng về lâu dài.

Theo bác sĩ Đương, đây là một trong những bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở những người lớn tuổi, người thừa cân. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cần phải kiểm soát được cân nặng, thói quen sinh hoạt cùng chế độ dinh dưỡng hàng ngày như ăn chậm, kiêng các món ăn gây ợ chua, thực phẩm cay... để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thoát vị hoành.

Sau ca mổ, tình trạng của ông V. ổn định, hệ tiêu hóa hồi phục tốt, sức khỏe tổng quát cũng được cải thiện đáng kể. Người bệnh hiện đã xuất viện và tiếp tục theo dõi tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.

Thoát vị khe hoành là một bệnh lý tiêu hóa tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngay khi cơ thể có những triệu chứng như đau thượng vị (khu vực bên dưới xương sườn và trên rốn), nhanh no, buồn nôn, nôn ra máu, trào ngược dạ dày, đau ngực, khó thở... người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, ngăn chặn những rủi ro nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục