Một cách dạy dỗ khiến con tổn thương, tự ti suốt đời nhưng cha mẹ lại cứ ngỡ mình đang giúp con tiến bộ
Cách làm này của cha mẹ khiến đứa trẻ xấu hổ, là ký ức không thể nào quên đối với nhiều em trong suốt cuộc đời.
Bạo hành bằng lời nói có thể đẩy con đến bờ vực của sự tuyệt vọng
"Tại sao con lại dốt thế nhỉ"
"Chuyện dễ như thế này mà không làm được, lớn lên biết làm cái gì"
"Sao người khác làm được mà con lại không thể"
"Thi không đậu, mặt mũi nào mà bố mẹ nhìn người khác đây hả"
Có lẽ những câu nói này thỉnh thoảng lại xuất hiện trong tuổi thơ của một số người, nó quẩn quanh tâm trí của một đứa trẻ, khiến chúng buồn chán mà không biết nói ra với ai.
Theo một nghiên cứu của Đại học Iowa, Mỹ, chỉ có khoảng 20% những gì cha mẹ nói với con cái hằng ngày theo hướng tích cực và khích lệ. Trung bình một đứa trẻ có hơn 30 nhận xét tiêu cực về bản thân mỗi ngày.
Nhiều phụ huynh cho rằng việc dạy dỗ con bằng lời nói sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến trẻ như việc dùng đòn roi, đánh đập. Trên thực tế, những lời lẽ có tính sát thương cao dù không để lại thương tích trên cơ thể nhưng lại cứa sâu vào tâm hồn đứa trẻ, hình thành những vết sẹo tâm lý rất khó chữa lành.
Bác sĩ, chuyên gia tâm thần học nổi tiếng Alfred Alder từng nói: "Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời thơ ấu".
Một đứa trẻ thường xuyên phải nghe những lời tiêu cực sẽ cảm thấy mình không có giá trị gì trong mắt cha mẹ, mình không đủ giỏi, đủ tốt. Suy nghĩ ấy hình thành bóng đen tâm lý, ăn mòn sự tự tin của đứa trẻ, khiến trẻ trở nên nhút nhát, tự ti.
Nếu tuổi thơ của một đứa trẻ hạnh phúc và tươi đẹp, thì trẻ sẽ là người ấm áp và tự tin, lúc nào cũng đối mặt với cuộc sống bằng một thái độ tích cực, vui vẻ và ngược lại! Một đứa trẻ bị cha mẹ phủ nhận, chưa nói đến việc sau này có làm tốt công việc của mình hay không, ít nhất có một điều chắc chắn rằng: Cảm giác hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống của trẻ sẽ rất thấp.
Con tự ti, rụt rè vì bị cha mẹ bạo lực ngôn ngữ
Gần đây, MXH Trung Quốc bàn tán sôi nổi về trường hợp của một cô gái 33 tuổi.
Theo đó, cô gái này tên là Phạm Thành Kim (hay còn gọi là Tiểu Kim), mặc dù đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng vẫn không đi làm mà ở nhà "ăn bám" vào cha mẹ. Cô nói rằng, bản thân hiện nay là do cách giáo dục sai lầm mà cha mẹ cô gây ra.
Được biết, Tiểu Kim từ nhỏ đã thích thiết kế, nhưng trong mắt cha mẹ đó không phải là một sở thích có thể kiếm được nhiều tiền sau này.
Trong mắt cha mẹ, cô là "đồ bỏ đi", chẳng làm nên tích sự gì cả. Dù cô có làm tốt việc gì cũng chưa bao giờ được công nhận, thậm chỉ khi quét nhà cũng bị cha mẹ chế giễu.
Những lời nói tiêu cực như vậy không ngừng gieo vào tai cô mỗi ngày, khắc sâu vào tâm trí và không bao giờ có thể xóa bỏ được.
Dù đã trúng tuyển đại học như Tiểu Kim nhận thấy bản thân không có khả năng giao tiếp với người khác.
Sau khi tốt nghiệp, cô tìm được việc làm nhưng vì rụt rè, sợ thất bại cùng với việc không có sự ủng hộ từ gia đình, khiến cô tự ti hết lần này tới lần khác.
Chính vì thế, sau một thời gian, cô chọn cách trốn ở nhà, bất chấp sự mắng mỏ của cha mẹ mỗi ngày.
Một đứa trẻ hay bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói cũng có thể phản kháng, có những cách hành xử ngỗ ngược, dùng ngôn ngữ tiêu cực đối đáp với người xung quanh hoặc cãi lại, quát mắng chính cha mẹ mình. Họ không hiểu được rằng, đằng sau sự bạo hành bằng lời nó có thể đẩy con mình đến bờ vực của sự tuyệt vọng.
Bác sĩ nhi khoa nổi tiếng người Mỹ Adele Faber từng nói: "Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động của lời nói đối với cuộc sống của một đứa trẻ".
Lòng bao dung của trẻ con kém hơn người lớn rất nhiều. Cha mẹ luôn nghĩ rằng, trẻ làm được thì làm được, không làm được thì mắng. Họ không biết rằng, những lời nói này như con dao, để lại vết thương lòng không bao giờ lành.
Bạo lực ngôn ngữ ảnh hưởng tới một đứa trẻ như thế nào?
Nỗi đau về tinh thần
Bạo hành bằng lời nói của cha mẹ sẽ để lại những vết sẹo trong lòng con cái không thể nào xóa nhòa. Nỗi đau về tinh thần đôi khi còn khủng khiếp hơn cả về thể chất. Những tổn thương này khắc sâu vào tim một đứa trẻ, là cái bóng đi theo chúng cả đời, thậm chí có thể khiến trẻ trầm cảm và tìm đến cái chết.
Tạo bóng đen tâm lý
Trường hợp của Tiểu Kim là ví dụ điển hình. Khi bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói, con cái sẽ trở nên ngại giao tiếp với người khác, rụt rè, sợ hãi.
Sự phủ nhận, công kích và chỉ trích của cha mẹ sẽ khiến trẻ có những tiêu cực về mặt tâm lý, gây ra nhiều hậu quả đáng báo động.
Tuổi thơ của trẻ chỉ có một lần
Một giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, thông qua một cuộc khảo sát trẻ em từ hàng trăm gia đình chỉ ra: Một số trẻ em mặc cảm tiêu cực là do giáo dục gia đình không hợp lý. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện ra những hành vi giáo dục con cái không đúng cách, khiến con cái nảy sinh mặc cảm, tự ti, thì sẽ gián tiếp hủy hoại cuộc đời con.
Nếu yêu con thì hãy quan tâm đến cảm xúc của con, dù con có làm sai điều gì cũng đừng phủ nhận giá trị của chúng. Thay vì tạo áp lực, hãy khuyến khích con bày tỏ cảm xúc thực của mình. Phụ huynh nên dành thời gian chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, tôn trọng ý kiến của con, cho con khoảng không gian riêng để phát triển.
Phần lớn sự tự tin của trẻ đến từ sự độc lập. Cha mẹ thông minh thay vì can thiệp vào lựa chọn của con cần biết buông bỏ đúng lúc và để con tự quyết định. Con muốn mặc gì là việc của con. Nếu nhận thấy không phù hợp, con sẽ tự điều chỉnh lại phong cách của mình. Con muốn học ngành gì cũng là quyền của con. Nếu chọn sai, con phải tự chịu trách nhiệm.
Cha mẹ cứ quyết thay chỉ khiến ý thức tự chủ của con bị triệt tiêu, ảnh hưởng sự tự tin và thiếu tinh thần trách nhiệm. Dần dà, việc gì con cũng dựa dẫm vào người khác và nảy sinh tính dễ dãi.
Kiểm soát và làm mọi thứ cho con cái chính là cách giáo dục độc hại nhất. Dám buông tay chính là bài kiểm tra thực sự về phẩm chất tâm lý và phán đoán giá trị của cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ biết buông bỏ, con cái mới thực sự trưởng thành và hạnh phúc.
Tuổi thơ của trẻ chỉ có một lần. Cha mẹ phải nhìn vào điểm mạnh của trẻ và không phải lúc nào cũng đánh giá cuộc sống của chúng bằng suy nghĩ của mình. Hãy đứng nhiều hơn từ góc độ của trẻ, để hiểu hơn về con mình.