Chủ nhật, 01/12/2024, 18:04 (GMT+7)

Liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở bán hàng hiệu giả, người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng có được yêu cầu bồi thường không?

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng có được yêu cầu bồi thường không?

Ngày 30/11, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất đối với 02 cửa hàng kinh doanh giày dép trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Qua đó tạm giữ 271 đôi dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CROCS đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 3 phát hiện Hộ kinh doanh D.X và V.T.T.T đang trưng bày để bán hàng hóa là các sản phẩm dép gắn dấu hiệu CROCS (hình) có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của CROCS đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là 271 đôi dép có gắn dấu hiệu CROCS (hình) có dấu hiệu vi phạm theo quy định của pháp luật và phối hợp với chủ thể quyền để xác định tính hợp pháp của hàng hóa.

KT1 (1)
Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh giày dép trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng

Đội QLTT số 3 hoàn thiện hồ sơ trình Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở kinh doanh nêu trên với tổng số tiền xử phạt là 55.000.000 đồng, hành vi vi phạm: trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Trước đó, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh quần áo, giày dép về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng số tiền 48,75 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhận được nguồn tin báo từ quần chúng nhân dân, Đội QLTT số 4 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh quần áo, giày dép, địa chỉ: Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do bà Nguyễn Thị Hoàng Yến làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 4 phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 65 đôi giày thể thao mang nhãn hiệu adidas có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trị giá hàng hóa trên 29 triệu đồng và 320 sản phẩm quần áo may sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 42 triệu đồng.

HH (1)
Phát hiện và tạm giữ dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CROCS

Đội QLTT số 4 đã gửi Công văn đề nghị Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh, địa chỉ: Số 8 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội là đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của Công ty Adidas AG, địa chỉ: Adi-Dassler-Strasse 1, 91074 Herzogenaurach, Germany và Công ty Adidas International Marketing B.V, địa chỉ: Hoogoorddreef 9a, NL-1101 BA Amsterdam Zuidoost, Netherlands xác định 65 đôi giày trên có giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” được bảo hộ tại Việt Nam không. Kết quả: 65 sản phẩm giày thể thao nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trị giá tang vật trên 29 triệu đồng.

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên về các hành vi vi phạm hành chính là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng số tiền là 48,75 triệu đồng, tịch thu 320 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy 65 đôi giày adidas giả mạo nhãn hiệu theo quy định.

h1_D4_29112024
Đội QLTT số 4 phát hiện hàng hóa vi phạm tại cơ sở kinh doanh

Trong tháng cuối năm 2024 và thời điểm trước Tết Nguyên đán 2025, Đội QLTT các tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo ra một thị trường lành mạnh cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên cả nước.

Căn cứ tại khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về quyền của người tiêu dùng như sau:

Quyền của người tiêu dùng

Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, tại Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như sau:

Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi mua phải hàng giả và hàng nhái kém chất lượng.

Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về quyền của người tiêu dùng như sau:

Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Như vậy, khách hàng có thể yêu cầu bồi thường khi mua hàng giả và hàng nhái, kém chất lượng, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Cùng chuyên mục