Lễ hội "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" có quy mô lớn nhất từ trước tới nay
(Tiepthigiadinh) - Ngày 3/2, tại TPHCM, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Diễn ra từ ngày 10 đến 14/3, lễ hội có chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới", là dịp để tôn vinh văn hóa cà phê, người trồng cà phê và ngành cà phê; quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Điểm đến của cà phê thế giới". Lễ hội cũng là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh, cho biết: Cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho nhiều người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Lễ hội có nhiều hoạt động tôn vinh ngành hàng cà phê như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa cà phê Việt Nam" và "Lịch sử cà phê thế giới", Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, Ngày hội cà phê miễn phí, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê, Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột...
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm và khám phá sản phẩm du lịch mới, biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam San" phục vụ du khách. Đặc biệt, với chương trình Ngày hội cà phê, du khách có cơ hội thưởng thức đặc sản cà phê miễn phí.
Đây còn là ngày hội để quy tụ những “anh tài” trong ngành sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh giao thương. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu với thương hiệu cà phê Meet More cho hay, hiện nay một số thương hiệu nước uống của nước ngoài, dù không phải sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản, trái cây hữu cơ, khi phát triển thành sản phẩm thương hiệu đa quốc gia thì giá của nó tăng nhiều lần trong khi sản phẩm của chúng ta là sản phẩm nông sản, đi từ bàn tay chăm sóc của người nông dân, đi theo chuỗi thì lại phải chấp nhận cái giá thấp như là giá gia công.
Nên muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt, muốn đi dài hơi, thì không còn cách nào khác ngoài việc phải bảo vệ nông sản Việt bằng cách giữ vững thương hiệu Việt, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, lan toả giá trị của sản phẩm có nguồn gốc nông sản Việt, từ đó tạo ra giá trị và thu về giá tiền rất lớn, từ 20 lần có khi cao hơn 50, 60, 70 lần. Lễ hội có ý nghĩa quan trọng nhằm lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hơn nữa và để các DN tiếp tục chinh phục cả thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - phó chủ tịch HĐQT của tập đoàn An Thái, cho biết: Thương hiệu AnTháiCafé chính thức ra đời năm 1996, là một trong những thương hiệu cà phê nổi bật của Tập đoàn An Thái. Qua hơn 22 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu AnTháiCafé đã lớn mạnh và từng bước khẳng định vị thế của mình. Các dòng sản phẩm thương hiệu AnTháiCafé, gồm: Cà phê bột, cà phê hòa tan 3in1, cà phê hạt rang, cà phê phin giấy, cà phê chiết xuất. Trong đó, các sản phẩm nổi bật phải kể đến như: Cà phê bột như Vua Chồn (King Weasel), Chồn Nâu (Brown Weasel), Gold Coffee..., cà phê sữa 3in1 AnTháiCafé, 3in1- SUNRISE, cà phê hạt rang Arabica, Robusta…Mỗi sản phẩm đều mang đến hương vị riêng, độc đáo đặc trưng nét văn hóa cà phê Việt, luôn giữ được sự mộc mạc và cái “hồn” của mảnh đất trù phú xứ sở cà phê Ban Mê. Tập đoàn An Thái đang tăng tốc hiện thực hóa tầm nhìn thương hiệu toàn cầu và tự hào đồng hành, tham gia cùng lễ hội lớn nhất từ trước tới nay tại Đăk Lăk.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Đắk Lắk, ông Thái Hồng Hà cũng cho hay, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này được tổ chức với quy mô lớn hơn so với 7 lần tổ chức trước đó. Tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị chu đáo các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn để có thể đón tiếp lượng đối tác, khách du lịch quốc tế, nội địa và các cơ quan truyền thông về về dự lễ hội. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam, sau lúa gạo. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 3,9 tỉ USD.
Xem thêm: Các tin tức kinh doanh mới nhất tại đây