Thứ ba, 16/07/2024, 16:42 (GMT+7)

Hãi hùng những 'gương mặt ma' vì các sản phẩm trôi nổi làm đẹp da thần tốc

Tác dụng làm trắng sáng và giảm mụn trứng cá nhanh chóng khiến không ít người nghiện sử dụng các sản phẩm trôi nổi làm đẹp da thần tốc mà không lường được hậu quả để lại.

“Gương mặt ma” vì sản phẩm trôi nổi trên thị trường

Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp da, chữa nám, tàn nhang. Tại các hội nhóm này chủ yếu, mọi người mách nhau những kinh nghiệm làm đẹp da thần tốc bằng các phương pháp cổ truyền, sử dụng những sản phẩm tự làm, theo Thương Trường.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện rất nhiều người chào bán các sản phẩm thực phẩm chức năng, kem trộn với đủ loại từ “hand made” cho đến hàng xách tay... Những người bán sản phẩm này “rót mật” vào tai khách hàng những lời quảng cảo có cánh như “hết nám thần tốc”, “hết nám 100%”, “hết nám chỉ sau 1 tuần”…

Theo Ths.BS Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ khoa Điều trị bệnh da nam giới, những bệnh nhân gần đây đến BV Da liễu Trung ương khám vì biến chứng sau dùng kem trộn cho thấy thực sự cần lời cảnh tỉnh với tất cả bệnh nhân.

Đặc điểm các loại kem này là trắng sáng và giảm mụn trứng cá nhanh. Nhưng sau 1 thời gian dùng thuốc (có thể 2- 3 tháng, cũng có người đến cả năm) người bệnh trở thành một “gương mặt ma" di động như lời bệnh nhân khi đến khám phàn nàn với bác sĩ. Khi đó, người bệnh bị phụ thuộc thuốc, sắc tố da biến đổi, mặt chi chít mụn.

Đơn cử, như trường hợp của nam sinh 16 tuổi đến từ Hải Phòng. Ở tuổi dậy thì, gương mặt của nam sinh xuất hiện rất nhiều mụn trứng cá, đặc biệt là vùng trán và cằm. Mặc cảm, xấu hổ vì bị bạn bè trêu trọc, nam thanh niên này đã lên mạng tìm thông tin và được giới thiệu một sản phẩm được quảng cáo trị mụn trứng cá tức thì.

Đúng như quảng cáo, sau 2 tuần bôi kem, mụn trứng cá biến mất. Tuy nhiên, khi ngừng dùng thì mụn lại xuất hiện nên em tiếp tục dùng. Sau 2 tháng dùng liên tiếp, mặt cậu bất ngờ nổi mụn mủ ngứa ngáy, đau đớn.

Bệnh nhân này được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid. Tại thời điểm nhập viện da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán bị nghiện corticoid bôi. Ngoài bệnh nhân này, các bác sĩ cũng gặp khá nhiều trường hợp bị nám khắp mặt sau điều trị kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid.

Một trường hợp khác, bệnh nhân có tên L.H.B (24 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), khi thăm khám, bệnh nhân trong tình trạng viêm da tiếp xúc, kích ứng sau khi dùng bộ sản phẩm trị nám không rõ nguồn gốc.

Theo lời người bệnh kể, vì muốn có làn da trắng và hết các vết nám nhỏ li ti, cô đã mua kem từ một người bạn với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn, nhưng dùng được một thời gian cô thấy da mặt bất ổn nên dừng lại. Sau khi dừng không sử dụng kem, da mặt vẫn không ngừng hết các biểu hiện mẩn đỏ, nổi mụn, các vết nám ngày càng rõ hơn, vì lo sợ cô đã phải nhập viện để khám.

Tuy nhiên, sau khi thăm khám, các bác sỹ sử dụng thiết bị soi chiếu tia cực tím thì phát hiện ra khuôn mặt cô nổi lên ánh sáng xanh. Đây là hình ảnh của việc mỹ phẩm có chứa chất huỳnh quang.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Phó Trưởng khoa Laser và Chăm sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng da bị kích ứng nặng, mẩn ngứa, làn da mỏng, sạm nám loang lổ... Đa phần các bệnh nhân này bôi kem trộn, dùng biện pháp lột tẩy... khiến làn da bị tổn thương ngày càng nặng nề và việc điều trị rất khó khăn.

IMG_1798
Tác hại của kem trộn trắng da

Người dân không nên mù quáng tin theo nội dung quảng cáo "chữa khỏi nám da thần tốc"

Để cảnh báo, các chuyên gia da liễu nhấn mạnh, người dân không nên mù quáng tin theo nội dung quảng cáo "chữa khỏi nám da, làm đẹp da thần tốc" để rồi "tiền mất tật mang".

Thực tế, với các phương pháp điều trị hiện nay, hiện tượng nám da khó có thể chữa khỏi 100%, nhưng việc điều trị đúng cách có thể làm mờ vết nám được 70 - 80%.

Hiện nay, nhu cầu trị nám má, làm đẹp da thần tốc rất cao, người dân nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu; còn nếu chưa có điều kiện thăm khám thì nên chủ động các biện pháp bảo vệ da cơ bản bằng cách dùng kem chống nắng, bôi đúng thời gian, đeo khẩu trang đủ dày hay mũ rộng vành, hạn chế ra ngoài trời vào giờ cao điểm... Đặc biệt, không nên tự ý điều trị nám bằng cách bôi, đắp các loại kem, lá cây, rượu thuốc... bởi điều đó có thể gây tổn thương khó hồi phục cho làn da.

Bác sĩ Phạm Ngọc Huy (Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh cho biết, gần đây bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhân có da mặt bị trượt loét, mưng mủ, nhiễm trùng. Nguyên nhân là do nạn nhân có nghe theo người quen giới thiệu một loại “thuốc chứa axit”, giá hơn 200.000 đồng được bán ở chợ cóc tác dụng trị sạm, nám rất hiệu quả nên mua về sử dụng.

Bác sĩ Huy cho biết, loại thuốc bệnh nhân thoa để trị nám nêu trên có chứa axit. Hiện nay có nhiều người vì mong muốn trị nám, tàn nhang nhanh với chi phí thấp nên đã sử dụng các loại “thuốc chứa axit” để điều trị các tình trạng tăng sắc tố như đốm nâu, tàn nhang, rám má...

Hầu hết các loại thuốc này đều không được dán nhãn về thành phần, nơi sản xuất và chưa được cơ quan chức năng kiểm định. Do đó, việc sử dụng các chế phẩm này trên các vùng da nhạy cảm như mặt, mi mắt rất nguy hiểm. Chúng tiềm ẩn các nguy cơ phá hủy cấu trúc sinh lý làn da và gây nên các biến chứng như bỏng da, nhiễm trùng, sẹo xấu, và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người bệnh trong thời gian rất dài.

Cùng chuyên mục