Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 18/11/2023, 19:52 (GMT+7)

Kiến nghị mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc mở rộng các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Theo đó, các đối tượng được HoREA đề cập đến trong kiến nghị mở rộng đối tượng gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên. 

Đồng thời, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước HoREA cũng chỉ ra 8 vướng mắc lớn của thị trường bất động sản và nêu một số giải pháp về tín dụng.

Trong đó, chủ yếu là vướng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với tất cả dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã "có quyền sử dụng đất".

Thứ hai, quy định về đất ở hoặc đất ở và đất khác, yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải "có quyền sử dụng đất ở". Quy định này khiến hàng trăm dự án nhà ở thương mại gặp khó khăn rất lớn do chủ đầu tư đã bỏ ra chi phí để tạo lập quỹ đất nhưng không thể triển khai.

120.000 TỶ
Nhiều vướng mắc trong việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ ba, việc "điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000" nên thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để doanh nghiệp có căn cứ xây dựng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đầu tư.

Thứ tư, thủ tục định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất, quyết định giá đất" để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án bất động sản, nhà ở thương mại…

Thứ năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm ban hành quy định xử lý phần "diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại". Thực trạng này khiến nhiều dự án nhà ở thương mại bị tắc thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư" hoặc tắc thủ tục "định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất, quyết định giá đất" để tính tiền sử dụng đất, tiền đất thuê trong hơn 6 năm qua.

Thứ sáu, vướng mắc tại khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã hạn chế việc chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở thương mại của chủ đầu tư..

Thứ bảy, chính sách nhà ở xã hội cũng gặp những vướng mắc về tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; bất cập trong việc quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội hay vướng mắc trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc bị vướng thủ tục "phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500" hoặc chưa được tính đủ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cuối cùng là việc tiếp cận các cơ chế ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội...

Vì vậy, HoREA đề xuất Chính phủ, các bộ ngành địa phương sớm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội với lãi suất 8,7%/năm (chủ đầu tư) và 8,2%/năm (người mua nhà).

Các dự án đủ điều kiện vay gói tín dụng này bao gồm các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Các đối tượng được hỗ trợ vay gói tín dụng này bao gồm các pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án (thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quyết định) và những đối tượng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định, các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng).

Thời hạn giải ngân khoản vay trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trước ngày 31/12/2023.

Cùng chuyên mục