Thứ ba, 27/02/2024, 14:37 (GMT+7)

Khoai tây đã chuyển màu xanh có ăn được không?

Chúng ta đều biết khoai tây mọc mầm có thể gây ngộ độc, cực hại cho sức khỏe. Vậy khoai tây chuyển màu xanh còn sử dụng được không?

Vì sao khoai tây có màu xanh?

Vỏ khoai tây chuyển sang màu xanh, củ khoai sẽ bị mềm và hơi héo. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khoai được bảo quản không đúng cách hoặc tiếp xúc với ánh sáng. Khi khoai tây tiếp xúc với ánh sáng, chúng sẽ trải qua quá trình quang hợp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng đó thành năng lượng. Quá trình quang hợp kích hoạt sản xuất chất diệp lục và khoai tây chuyển sang màu xanh.

khoai tay
Khoai tây tiếp xúc ánh sáng bị chuyển màu xanh

Quá trình này cũng tạo ra solanine, một chất độc có thể nguy hiểm nếu ăn phải với số lượng lớn. Solanine thường gây ra các bệnh về đường tiêu hóa và hệ thần kinh như tiêu chảy, nôn mửa, co thắt dạ dày, buồn nôn, nhức đầu và chóng mặt. Thậm chí, những trường hợp ngộ độc solanine nghiêm trọng hơn có thể gây ra tình trạng hạ thân nhiệt, tê liệt, ảo giác, vàng da và thậm chí mất cảm giác…

Theo Allrecipes, ăn một lượng nhỏ khoai tây xanh có thể không gây nguy hiểm, nhưng tốt nhất bạn không nên làm vậy. Nếu củ khoai tây có ít đốm xanh, bạn có thể tận dụng bằng cách thử gọt vỏ hoặc cắt bỏ phần xanh, nhưng nếu vẫn còn vị đắng thì hãy loại bỏ.

Bảo quản khoai tây đúng cách để không chuyển sang màu xanh

Khoai tây sẽ không chuyển sang màu xanh nếu chúng được bảo quản đúng cách và tránh ánh sáng trực tiếp. Lưu ý những điều sau đây:

Sau khi mua khoai, bạn hãy dành vài phút để sàng lọc khoai. Hãy loại bỏ những củ bị rách vỏ, dập hoặc có bất kỳ biểu hiện hư hỏng. Những củ này cần được sử dụng sớm bởi chúng sẽ nhanh hỏng hơn các củ thông thường và có thể làm hỏng các củ khoai bình thường khác.

khoai tay
Giữ khoai tây tránh xa các tác nhân như nhiệt độ cao và thay đổi nhiệt độ liên tục

Bạn cũng cần để khoai tây thông thoáng như để trong túi lưới, không để tỏng túi kín. Nếu khoai tây bạn mua về không được đựng trong các túi lưới, bạn có thể cho vào một cái hộp có lỗ thông hơi, nên đặt một một tờ báo giữa các lớp khoai tây và đậy hộp bằng một tờ báo.

Nên giữ khoai tây trong nhiệt độ mát. Nhiệt độ tốt nhất để bảo quản khoai tây 6-10 độ C. Ở nhiệt độ này, khoai có thể tươi trong vài tháng nếu được bảo quản đúng cách. Ở nhiệt độ 10-15 độ C, được cất trong chỗ tối, khô và thoáng, khoai vẫn thơm ngon trong 2 tuần đến 1 tháng.

Nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, bởi một củ khoai hỏng có thể làm lây nhiễm sang những củ khoai tây khác.

Không nên rửa khoai trước khi bảo quản, bởi rửa nước dễ khiến khoai bị hư thôi. Giữ khoai tây càng khô càng tốt. Nếu khoai dính nhiều đất cát, chờ cho đất khô rồi dùng bàn chải đánh răng cọ nhẹ để loại bỏ đất. Bạn chỉ nên rửa trước khi đem đi chế biến.

Không để khoai tây gần trái cây. Nhiều loại trái cây như táo, lê, chuối tiết ra một chất hóa học gọi ethylene. Khí này khuyến khích trái cây chín (bạn có thể nhận thấy rằng các loại trái cây có xu hướng chín nhanh hơn khi bạn giữ chúng bên cạnh nhau) khiến khoai nảy mầm sớm.

Cùng chuyên mục