Hướng dẫn làm thẻ căn cước không cần xuất trình thông báo định danh cá nhân
Công dân ở TP.HCM đến các điểm cấp thẻ căn cước để thực hiện, không cần xuất trình Thông báo định danh cá nhân hay Xác nhận thông tin về cư trú.
Thông tin liên quan yêu cầu giấy xác nhận cư trú khi làm thẻ căn cước mới, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP. HCM, Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết, theo quy định, đối với các trường hợp người dân không thể thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công; cơ quan Công an vẫn tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, theo Trung tâm báo chí TP.HCM.
Bên cạnh đó, Công an Thành phố thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VNeID tại trụ sở đơn vị.
Hiện nay, theo quy định, khi có nhu cầu cấp thẻ Căn cước, người dân đến Cơ quan Công an nơi công dân cư trú (Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an cấp quận, huyện hoặc Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an Thành phố nơi công dân cư trú) cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thông tin công dân không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu.
Do đó, công dân đến các điểm cấp căn cước để thực hiện, không cần xuất trình Thông báo định danh cá nhân hay Xác nhận thông tin về cư trú.
Đại diện Công an Thành phố cũng thông tin, hiện nay, Bộ Công an đã bãi bỏ thủ tục cấp Thông báo định danh. Về trường hợp báo chí phản ánh, Công an Thành phố ghi nhận và có chỉ đạo kiểm tra cụ thể.
Theo quy định tại Nghị định 70/2024, thông tin số CMND 9 số, số định danh cá nhân đã hủy được mã hóa, tích hợp trong mã QR trên thẻ căn cước.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quét mã QR trên thẻ căn cước và sử dụng thông tin số CMND 9 số, số định danh cá nhân đã hủy truy xuất được qua mã QR để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác. "Không được yêu cầu công dân phải cung cấp xác nhận số CMND 9 số, số định danh cá nhân đã hủy", nghị định nêu rõ.
Vẫn theo nghị định, trường hợp thông tin số CMND 9 số, số định danh cá nhân đã hủy được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công dân có yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước hoặc công an cấp xã có trách nhiệm xác nhận thông tin số CMND 9 số, số định danh cá nhân đã hủy.
Để làm thủ tục này, công dân có thể thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước hoặc công an cấp xã. Hồ sơ gồm: phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước, giấy CMND 9 số (nếu có).
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước hoặc công an cấp xã nơi tiếp nhận đề nghị có trách nhiệm xác nhận thông tin về số định danh cá nhân đã hủy; số CMND 9 số đối với trường hợp thông tin số CMND 9 số đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp thông tin số CMND 9 số chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước hoặc công an cấp xã nơi tiếp nhận đề nghị có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và xác nhận thông tin về số CMND 9 số.
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, hiện nay Công an Thành phố phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VNeID để chủ động, tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho người dân trong các thực hiện giao dịch.