Hơn nửa đời người thăng trầm cùng sạp báo giấy
Trong không khí nhộn nhịp của Sài Gòn, tại con đường Hà Huy Giáp thuộc quận 12, có một người đàn ông với sạp báo giấy đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với bao thế hệ. Ông Trần Văn Hùng, 61 tuổi, là người bán báo tận tụy suốt 34 năm qua.
Niềm vui từ sạp báo
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1990, ông Trần Văn Hùng lúc đó chỉ là cậu thanh niên 27 tuổi - không nghề nghiệp, không bằng cấp. Để nuôi sống gia đình, ông đã quyết định bắt đầu với nghề bán báo, lúc đó đang là nghề “hái ra tiền” vào thời điểm bấy giờ.
Mỗi này, ông Hùng đều đặn thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị báo mới cho độc giả. Đôi chân kiên trì, bóng dáng gầy gò nhưng luôn tràn đầy nhiệt huyết, ông lặng lẽ di chuyển khắp các con phố, ngõ hẻm trên chiếc xe máy cũ kỹ của mình để đến sạp báo giấy.
Báo trên sạp của ông có giá chỉ vài ngàn đồng, từ báo cũ đến báo mới được xếp ngăn nắp gọn gàng để khách mua dễ lựa chọn. Quanh đi quẩn lại chỉ vài đầu báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công An, Bóng Đá.... Nhiều khách tới mua báo đùa rằng: Như ông Hùng, phải yêu nghề nhiều lắm mới bỏ đi tính toán lời lãi để trụ lại được với cái nghề bán báo như ngày hôm nay.
Hỏi vì sao ông vẫn dành thời gian cho cái nghề dường như bị lãng quên này, vẫn kiên trì giữ lại “góc nhỏ” - có lẽ là nơi duy nhất có sạp báo giấy khang trang như vậy ở khu vực đó, ông mới cho chúng tôi hay về những niềm vui của mình.
“Với tôi, mỗi tờ báo là một câu chuyện, mỗi người mua báo là một nhân vật đặc biệt trong cuộc đời. Tôi nhớ từng khách hàng, nhớ những câu chuyện của họ, và luôn dành thời gian để lắng nghe, trò chuyện. Đối với nhiều người, tôi không chỉ là người bán báo, mà còn là người bạn, người thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày”, ông Hùng chia sẻ.
Kể về ông Hùng, nhiều người dân trên đường Hà Huy Giáp không khỏi xúc động. Họ kể lại những kỷ niệm gắn bó với ông, từ những buổi sáng tinh mơ ông đã có mặt để phát báo, đến những lời chúc tốt lành mà ông luôn gửi gắm.
Có những vị khách đã theo ông Hùng từ buổi đầu, số tuổi đọc báo giấy của họ còn lớn hơn số năm chiếc sạp đứng trụ tại con đường này. Còn có những vị khách trung niên sơ vin bảnh bao thi thoảng ghé qua mua vài tờ. Và cũng có những vị khách tóc bạc phơ đi trên chiếc xe đạp cũ ghé mua tờ báo mới.
Như ông Nguyễn Thành Công, đã ngoài 50 tuổi, vẫn đều đặn tuần 3 ngày di chuyển từ khu vực đường Hà Huy Giáp cách 4km để mua báo. "Tôi cũng có điện thoại di động, nhưng lại ít dùng mạng xã hội hay đọc báo trên đó. Đối với tôi, báo giấy vẫn là thú vui mỗi ngày, đọc qua đọc lại mới hay được cái nội dung trong báo”, ông Công vừa ngồi đọc báo, nhâm nhi ly cà phê cạnh sạp báo giấy vừa kể.
Ông Tư Sơn năm nay 66 tuổi, xưa cũng làm báo lâu năm, giờ đã nghỉ hưu ở nhà với con cháu và cũng là khách quen ở đây trên dưới 15 năm. Cứ đều đặn mỗi buổi sáng, ông tới đây lựa một vài tờ rồi ngồi đọc cạnh sạp báo. Đọc một hồi, cả ông Tư Sơn và vài người bạn già lại cùng nhau lấy đàn ghita ôn lại những kỷ niệm xưa.
“Hồi xưa đọc báo để biết tin tức thế sự, nay thì tôi đọc báo để níu giữ cảm giác thời trẻ là chính. Cũng nhờ sạp báo, mà ngày nào tôi và đám bạn già cũng có cơ hội ngồi trò chuyện ca hát cùng nhau. Ở tuổi của tôi, được như thế này là vui lắm rồi”, ông Tư Sơn cho biết.
Có một thời vàng son
Trong 34 năm qua, ông Hùng chứng kiến không ít sự thay đổi của ngành báo chí. Thời điểm đầu, khi mà báo chí vẫn là nguồn thông tin chính thống, người ta xếp hàng để mua báo mỗi sáng. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, việc mua báo giấy trở nên ít phổ biến hơn.
“Công nghệ phát triển là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi vẫn tin rằng báo giấy vẫn có chỗ riêng, nhất là với những người yêu thích cảm giác cầm trên tay một tờ báo giấy”, ông Hùng cho biết.
Nhớ lại thuở đầu bán báo, lúc đó xung quanh chen chúc sạp hàng cùng loại, chưa kể đến những người bán báo dạo cuốc bộ đem báo tới từng nhà. Bán báo lúc đó chẳng mất sức, chỉ cần dậy sớm một chút để lấy báo, chờ tới sáng mở hàng là đã thấy khách xếp hàng chờ từ lâu. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ trong vòng hơn 10 năm gần đây, sự bùng nổ của internet đã khiến báo giấy từ biểu tượng văn hóa trở thành biểu tượng của quá khứ.
"Ngày xưa, bán có lúc 500 tờ với nhiều đầu báo đa dạng lắm. Nhất là mấy tờ An ninh thế giới, Lao Động, Tiếp thị và Gia đình… được nhiều người mua đọc nhất. Còn bây giờ mỗi ngày bán cùng lắm được 20-30 tờ…”, ông Hùng nói, ánh mắt có chút tiếc nuối về một thời vàng son.
Theo ông Hùng, bán báo ngày xưa kiếm tiền không kém mấy nghề khác. Có lúc ông còn mua được vàng để tiết kiệm chỉ nhờ các việc bán báo. Mãi sau khi báo giấy suy thoái, ông mới chuyển sang dạy đàn để kiếm thêm thu nhập, còn sạp báo thì vẫn giữ để bán cho vui.
Thời gian dâu bể vô vàn đổi thay, ông Hùng không chỉ là một người bán báo lâu năm, mà còn là minh chứng sống cho tình yêu nghề, sự kiên trì và lòng tốt đẹp trong cuộc sống. Câu chuyện của ông Hùng là lời nhắc nhở về giá trị của lao động và sự gắn bó với cộng đồng, làm nên một phần không thể thiếu trong bức tranh đầy màu sắc của Sài Gòn hiện đại.