Thứ ba, 12/11/2024, 12:00 (GMT+7)

Báo chí gặp khó khăn, Bộ trưởng Bộ TT&TT gợi ý cách lấy lại thị phần quảng cáo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí phải dùng công nghệ để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả so với mạng xã hội, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.

Sáng 12/11, Quốc hội đã diễn ra phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng liên quan đến các vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. 

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt câu hỏi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

121120240904-z6023727039893_a1c49eddad57bd89ed5f1fc1cfc91ee8
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự do tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến. Thực trạng này khiến nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.

Bộ trưởng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.

Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện

Xem thêm
Cùng chuyên mục