Giá xăng dầu hôm nay 30/5: Dự báo giảm theo xu hướng thế giới
Giá xăng dầu hôm nay 30/5 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.
Giá xăng dầu hôm nay trong nước
Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 30/5 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 23/5 của liên bộ Tài chính - Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 162 đồng/lít, lên mức 22.277 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 78 đồng/lít lên mức 23.213 đồng/lít. Tuy nhiên, tại kỳ điều hành này, dầu diesel 0.05S lại giảm 36 đồng/lít, còn 19.837 đồng/lít; dầu hỏa giảm 6 đồng/lít, còn 19.902 đồng/lít. Trong khi đó, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 95 đồng/kg, ở mức 17.513 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay (30/5). Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước giảm nên nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ đồng loạt giảm. Theo đó, giá xăng RON 95 được dự báo giảm 800 đồng/lít và xăng E5 RON 92 cũng được dự báo giảm 600 đồng/lít. Cùng với đó, giá dầu DO dự báo giảm 600 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 21 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 9 kỳ tăng đồng loạt, 6 kỳ giảm giá, 6 kỳ giảm giá xăng dầu tăng - giảm đan xen.
Giá xăng dầu hôm nay thế giới
Giá xăng dầu hôm nay, trên thị trường thế giới, dữ liệu từ Oilprice cho hay, mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 30/5 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 79,28 USD/thùng, giảm 0,75% (tương đương giảm 0,6 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 83,53 USD/thùng, giảm 0,82% (tương đương giảm 0,69 USD/thùng).
Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% vào phiên giao dịch hôm nay do lo ngại về nhu cầu xăng yếu của Mỹ và dữ liệu kinh tế có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Lãi suất cao được sử dụng để giải quyết tình trạng lạm phát kéo dài có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu về dầu.
Theo Reuters, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ cải thiện trong tháng 5 sau khi suy giảm 3 tháng liên tiếp trong bối cảnh thị trường lao động lạc quan. Tuy nhiên, lo ngại về lạm phát vẫn tiếp tục và nhiều hộ gia đình kỳ vọng lãi suất sẽ cao hơn trong năm tới.
Trong khi đó, những lo ngại về nhu cầu xăng của Mỹ đã giữ giá xăng tương lai lùi sát mức thấp nhất trong hai tháng gần đây. Theo nhận xét của các nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates, nhu cầu xăng vẫn yếu một cách đáng ngạc nhiên trong việc giữ nguồn cung gần mức bình thường khi mùa tăng giá giảm dần.
Cũng theo Reuters, các nhà giao dịch và nhà phân tích đang dự đoán OPEC+ sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày. Hiện thị trường đang theo dõi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ và được coi là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để biết thêm những tín hiệu tiếp theo về chính sách lãi suất của Fed. Dự kiến, chỉ số này sẽ được công bố vào ngày 31/5, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.