Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 13/09/2024, 19:00 (GMT+7)

Giá vàng hôm nay 14/9: Thế giới tiếp đà chinh phục kỷ lục

Bảng giá vàng hôm nay 14/9 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá vàng SJC, giá vàng 9999, giá vàng DOJI, giá vàng PNJ, giá vàng 24k, giá vàng 18k ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giavang14

Giá vàng hôm nay trong nước

Giá vàng hôm nay, mở cửa đầu giờ sáng 14/9 tại thị trường trong nước, vàng 9999 được DOJI niêm yết ở mức 78,5 triệu đồng/lượng mua vào và 80,5 triệu đồng/lượng bán ra. Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 13/9, vàng 9999 được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

SJC Hà Nội: 78.500.000 đồng/lượng – 80.500.000 đồng/lượng.

Doji Hà Nội: 78.500.000 đồng/lượng – 80.500.000 đồng/lượng.

SJC TP.HCM: 78.500.000 đồng/lượng – 80.500.000 đồng/lượng.

Doji TP.HCM: 78.500.000 đồng/lượng – 80.500.000 đồng/lượng.

SJC Đà Nẵng: 78.500.000 đồng/lượng – 80.500.000 đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay thế giới

Giá vàng hôm nay trên thị trường thế giới, theo trang tin tài chính Kitco, ghi nhận lúc 5h ngày 14/9 (theo giờ Việt Nam) giao ngay ở mức 2.580,55 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 21,9 USD so với giá vàng ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 75,527 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 2,973 triệu đồng/lượng.

Sự suy yếu của đồng USD cùng với lợi suất trái phiếu giảm tiếp tục hỗ trợ vàng phiên giao dịch cuối của tuần và đẩy giá kim loại quý này lên các mốc kỷ lục mới. Giá vàng thế giới hôm nay giao ngay đạt mức cao kỷ lục là 2.580,55 USD/ounce và đang trên đà đạt mức tăng trưởng hằng năm mạnh nhất kể từ năm 2020, với mức tăng hơn 24% do nhu cầu trú ẩn an toàn, do bất ổn địa chính trị và kinh tế, và hoạt động mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương.

Hiện tại, theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đã chắc chắn về khả năng xoay trục chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ tại cuộc họp tuần tới, với 57% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản và 43% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản. Đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020. Lãi suất thấp có xu hướng hỗ trợ vàng, vốn không sinh lãi, theo Thương Trường.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ cùng với cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra gay cấn tại Mỹ, việc vàng cán mốc 3.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho rằng, thị trường vàng đang có chiều hướng tăng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất trong tuần này, Fed có khả năng sẽ hạ lãi suất vào tuần tới và lạm phát hạ nhiệt.

Theo Peter A. Grant, Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals, nếu dữ liệu sắp tới chỉ ra rủi ro tăng trưởng và thị trường lao động yếu kém, điều này sẽ làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 11 hoặc tháng 12, điều này sẽ tạo động lực cho vàng và đẩy nhanh thời điểm đạt được mức 3.000 USD.

Cùng chuyên mục