Chuyên gia dự báo giá vàng năm 2025: Cú lao dốc có lặp lại sau khi lập đỉnh 100 triệu đồng/lượng?
Giá vàng trong nước đã có thời điểm vượt mốc 100 triệu đồng/lượng, xô đổ các kỷ lục được thiết lập trước đó. Nhiều người băn khoăn, lịch sử "lao dốc" có lặp lại sau khi giá vàng tăng sốc?
Giá vàng liên tục phá đỉnh, nhà đầu tư có nên 'lướt sóng' thời điểm này?
Giá vàng vượt mốc 100 triệu đồng/lượng, người dân vẫn xếp hàng dài mua vàng
Từ đầu năm 2025, giá vàng đã có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, vượt qua kỳ vọng của nhiều tổ chức tài chính lớn. Đáng chú ý, chiều 19/3, giá vàng miếng SJC đã tiến sát ngưỡng 100 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn cũng vọt lên đỉnh 100,4 triệu đồng/lượng, xô đổ các kỷ lục đã thiết lập trước đó.
Phân tích về diễn biến thị trường vàng, PGS.TS Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu vĩ mô Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) nhận định, giá vàng năm 2025 tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố trong nước và quốc tế.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 3 kịch bản về diễn biến giá vàng trong nước. Trong đó, ở kịch bản cơ sở, các chuyên gia dự báo giá vàng sẽ dao động từ 81-87 triệu đồng/lượng. Với kịch bản tăng mạnh, nhóm nghiên cứu dự đoán giá vàng trong nước có thể tăng lên 88-92 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2025 và các dịp cao điểm.
Tuy nhiên trên thực tế, những ngày gần đây giá vàng trong nước đang biến động dữ dội theo giá thế giới, vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng. Ở ngưỡng này, giá vàng cũng vượt xa mức dự báo trong kịch bản cơ sở và kịch bản tăng mạnh bên trên của nhóm nghiên cứu.
Đáng chú ý, ngoài hai kịch bản tăng, PGS.TS Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố có thể kéo giá vàng trong nước giảm.
Cụ thể, giá vàng thế giới có thể giảm xuống mức 2.500-2.600 USD/ounce do các nền kinh tế lớn phục hồi nhanh chóng và các ngân hàng trung ương ưu tiên chính sách tiền tệ thắt chặt; đồng USD tăng giá mạnh; lãi suất trong nước tăng mạnh hơn dự kiến, kéo dòng tiền trở lại kênh tiết kiệm ngân hàng và giảm nhu cầu đầu tư vàng.
Theo đó, ở kịch bản này, giá vàng trong nước có thể giảm xuống mức 72-80 triệu đồng/lượng; có khả năng giảm nữa khi nhu cầu tích trữ và đầu tư trong nước giảm mạnh.
Về trung và dài hạn, PGS.TS Trần Việt Dũng cho rằng dư địa tăng của giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và tình hình bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây cũng là yếu tố tích cực đối với giá vàng.