Thứ tư, 16/04/2025
logo
Góc nhìn

Sửa đổi Luật Quảng cáo: Giải pháp nào 'gỡ khó' cho doanh nghiệp phát triển?

Hồng Phúc Thứ ba, 15/04/2025, 20:52 (GMT+7)

Liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có những đề xuất nhằm "gỡ khó" cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý.

Tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo (2012), một số quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn không còn phù hợp và đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung. 

Trước yêu cầu cấp bách, Quốc hội đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Từ khi Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo được Chính phủ trình lên Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (nay là Ủy ban Văn hóa, Xã hội) - Cơ quan được Quốc hội giao cho việc thẩm tra, đã rất tích cực phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến góp ý vào việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. 

Sau mỗi cuộc họp, qua những góp ý của đại biểu, đặc biệt là những ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ VIII đều được Ủy ban nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh sửa nhiều lần để đi đến Dự thảo ngày 21/3/2025 này (Dự thảo 21.3).

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ngày 15/4/2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Các ý kiến trao đổi tiếp thu, tổng hợp, rà soát, phối hợp với Cơ quan soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (5/2025).

Liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã đại diện cho các thành viên của Hiệp hội có những chia sẻ, nhằm "gỡ khó" cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý.

z6508190491470_bf59955f0b1921bea19d7c519b1d6934-1848
Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

PV: Thưa ông Nguyễn Trường Sơn, Hiệp hội đánh giá Dự thảo 21.3 có cải tiến đáng kể so với các phiên bản trước?

So với các bản dự thảo trước, Dự thảo 21.3 đã thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn trọng, có chọn lọc các ý kiến đóng góp và gắn với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay. 

Cụ thể, dự thảo đã làm rõ một số khái niệm (khoản 1, Điều 1), thể hiện sự bao quát hơn các lĩnh vực, các đối tượng liên quan đến hoạt động quảng cáo; xác định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm như quảng cáo trên mạng hay vai trò của người có tầm ảnh hưởng (khoản 15 Điều 1).

Dự thảo đã quy định nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo cụ thể hơn. Trong đó, thêm một nhiệm vụ quan trọng là “Xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động ngành công nghiệp quảng cáo” khẳng định rõ vị trí của ngành quảng cáo trong các ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, cũng nâng cao tính hành động “Tổ chức thực hiện...” của các cơ quan quản lý chứ không chi làm công việc “Chỉ đạo” chung chung (khoản 2, Điều 1).

Đáng chú ý, dự thảo đã giảm được một số quy định cụ thể, dễ biến động theo thực tế như yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (không bổ sung Điều 19a) hoặc những điều kiện, thủ tục rườm rà; hạn chế được một số điểm diễn đạt chưa rõ ràng; bãi bỏ một số Điều, khoản không phù hợp... sẽ làm cho Luật có tính khả thi, ổn định hơn.

PV: Những thay đổi tích cực từ dự thảo có giải quyết được các vấn đề cốt lõi của ngành quảng cáo? Phía Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam có đề xuất những sửa đổi, bổ sung nào để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật Luật?

Tại Dự thảo 21.3 này, nhiều ý kiến đóng góp của Hiệp hội Quảng cáo góp ý tại cuộc Hội thảo đã được tiếp thu. Về cơ bản, chúng tôi rất đồng tình với những thay đổi tích cực trong dự thảo lần này. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số điểm vướng mắc cần được nghiên cứu làm rõ, xem xét sửa đổi bổ sung. 

Đối với hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, dự thảo quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có nghĩa vụ phải “thông báo trước về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo” (khoản 8, điều 1, điểm 3b). Để tạo thuận lợi cho hoạt động quảng cáo này, chúng tôi đề nghị dự thảo cần làm rõ thông báo cho ai, thông báo trước bao lâu, hình thức, nội dung, quy trình thông báo. 

Cùng với đó, quy định tại điểm a, khoản 14, điều 1: "Thời lượng quảng cáo trên kênh chương trình cung cấp theo phương thức quảng bá không được vượt quá 10% tổng thời lượng phát sóng một ngày...” cần được giải thích rõ thế nào là phương thức quảng bá.

Ngoài ra, nếu quy định hoạt động quảng cáo trên mạng "phải có dấu hiệu nhận diện rõ ràng bằng chữ số, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh để phân biệt giữa thông tin quảng cáo với các thông tin khác không phải quảng cáo" là quá nhiều dấu hiệu, nhà quảng cáo khó thực hiện. Do đó, dự thảo có thể nghiên cứu, sửa đổi thành "phải có một trong những dấu hiệu nhận diện rõ ràng bằng chữ số hoặc chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh để phân biệt giữa thông tin quảng cáo với các thông tin khác không phải quảng cáo”.

Đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, Hiệp hội đề xuất dự thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn theo hướng: "Bãi bỏ thủ tục phải thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng - rôn. Cơ quan quản lý tăng cường công tác hậu kiểm giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm";

Gộp điểm c vào điểm a khoản 2 Điều 31 thành: “Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m2) trở lên" vì màn hình chuyên quảng cáo cũng có kết cấu tương tự như các bảng quảng cáo, không nên phân biệt khi xin phép xây dựng.

PV: Hiệp hội đề xuất bãi bỏ thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng, băng-rôn với lý do đảm bảo bình đẳng và giảm cơ chế “xin - cho”. Vậy cụ thể những khó khăn nào mà doanh nghiệp đang gặp phải với thủ tục này, và việc bãi bỏ sẽ mang lại lợi ích thiết thực ra sao?

Trên thực tế lâu nay, thủ tục tiếp nhận hồ sơ vẫn khó khăn, nặng tính xin-cho. Việc này xét ra cả hai phía từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý đều đang có nhận thức và thực hiện chưa chuẩn xác về quy định của khoản 2, Điều 30 Luật Quảng cáo.

Phía các cơ quan quản lý ở tất cả các địa phương đều coi việc cấp Giấy chấp thuận quảng cáo cho doanh nghiệp là việc đương nhiên, còn các doanh nghiệp cứ phải chờ đợi, chạy vạy để có được Giấy chấp thuận của cơ quan quản lý tại địa phương rồi mới dám thực hiện quảng cáo.

Đáng nói, thời hạn cho quảng cáo trong Giấy chấp thuận của các địa phương không theo một quy định nào, có nơi 3 tháng, có nơi 6 tháng, nơi dài nhất cũng chỉ 1 năm dù nội dung, hình thức quảng cáo không thay đổi. Thậm chí có địa phương dừng tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo tới vài ba năm không có lý do thuyết phục. Điều này làm ảnh hưởng nhiểu đến kế hoạch sản xuất, thời gian gây tổn thất cho các doanh nghiệp. 

Do đó, dự thảo cần có sự thay đổi, điều chỉnh để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý về các thủ tục hành chính; hạn chế tối đa hành vi tiêu cực, tham nhũng; thể hiện rõ sự quán triệt tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 là “Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cương quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho".

PV: Với số lượng điều khoản cần sửa đổi, ông có đề xuất gì về hướng xây dựng luật?

Với dự thảo 21.3, Luật Quảng cáo sẽ được sửa đổi, bổ sung 23 điều và tăng thêm 05 điều mới. Nếu gộp thêm những điều mà Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và các cá nhân, tổ chức khác đề nghị SĐBS, số lượng những điều phải sửa đổi, bổ sung sẽ không dưới 30 điều/41 điều (không kể điều khoản thi hành), chiếm tới 3/4 số điều của Luật Quảng cáo hiện hành.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Ủy ban trình Quốc hội xem xét ban hành một Luật Quảng cáo mới thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung. Điều này sẽ đảm bảo tính đồng bộ và khả thi cao hơn. Bên cạnh đó, ngoài việc tham vấn các tổ chức, chuyên gia, chúng tôi kiến nghị sau khi Quốc hội cho ý kiến sửa đổi, bổ sung, Ủy ban cho lấy thêm ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động để đảm bảo cho Luật được bổ sung hoàn chỉnh, khi ban hành sẽ có tính khả thi cao.

PV: Xin cảm ơn nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam về những chia sẻ!

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục