Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả được sản xuất và tiêu thụ suốt hơn 3 năm: Trách nhiệm thuộc về ai?
Vụ việc triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả với quy mô “khủng” mới đây đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và đặt ra câu hỏi: Ai cấp phép cho sản phẩm?
Bộ Công Thương nói gì về đường dây sữa giả 500 tỷ đồng?
Từ vụ phát hiện đường dây sữa giả: Làm sao nhận biết sữa bột giả giữa thị trường hỗn loạn?
Theo thông tin từ Bộ Công an, từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất tổng cộng 573 nhãn hiệu sữa giả, tung ra thị trường tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. Trong số đó, có những sản phẩm được quảng cáo là sữa dành cho người tiểu đường, người suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Hơn 3 năm hoạt động không rào cản: Ai chịu trách nhiệm?
Với số lượng lớn các sản phẩm sữa giả được phát hiện, dư luận đang đặt câu hỏi lớn: Đâu là lỗ hổng khiến một đường dây làm hàng giả hoạt động công khai suốt hơn 3 năm mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ cơ quan chức năng?
Ngày 15/4, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để điều tra và xử lý dứt điểm vụ việc. Quan điểm của Bộ Y tế là đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cục ATTP cũng khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Y tế luôn phối hợp với các lực lượng liên ngành như Bộ Công an, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 để xử lý các hành vi liên quan đến thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm… Tuy nhiên, rõ ràng vụ việc lần này cho thấy vẫn còn những lỗ hổng đáng báo động trong khâu hậu kiểm.
Hiện nay, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, phần lớn các sản phẩm thực phẩm được doanh nghiệp tự công bố, ngoại trừ bốn nhóm thực phẩm có nguy cơ cao phải đăng ký công bố với cơ quan chức năng. Cơ chế này được đưa ra nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đi kèm với quyền tự công bố là trách nhiệm rất lớn: doanh nghiệp phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc và tính an toàn của sản phẩm. Trong vụ việc lần này, rõ ràng đã có sự lợi dụng chính sách để che giấu hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Nghị định 15 cũng phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm đối với từng nhóm thực phẩm cụ thể.

Bộ Y tế yêu cầu rà soát toàn diện, siết chặt hậu kiểm
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, Bộ Y tế đã có động thái nhanh chóng nhằm kiểm soát rủi ro. Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long đã ký văn bản yêu cầu Sở Y tế các địa phương rà soát toàn diện hồ sơ công bố sản phẩm, điều kiện đảm bảo ATTP và kết quả thanh tra, kiểm tra liên quan đến các công ty trong diện nghi vấn.
Các địa phương phải cung cấp chi tiết tên sản phẩm, số lượng sản phẩm đã được công bố cũng như thông tin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các doanh nghiệp liên quan. Đặc biệt, Bộ yêu cầu rà soát toàn bộ hoạt động thanh tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay để xác định rõ trách nhiệm quản lý và khắc phục những “lỗ hổng” trong công tác giám sát thị trường.
Đề xuất xử lý người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai lệch
Không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp, Bộ Y tế cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp người nổi tiếng quảng cáo quá đà cho những sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Ngày 15/4, Cục trưởng Cục ATTP Trần Việt Nga đã ký công văn gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Văn hóa cơ sở, đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật. Theo phản ánh của báo chí, một số người nổi tiếng đã quảng bá cho sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng như thể là thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Việc xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, dù là người nổi tiếng sẽ góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm, đồng thời bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của cộng đồng.