Chủ nhật, 21/05/2023, 07:07 (GMT+7)

'Đại chiến quảng cáo' thị trường bán lẻ điện thoại di động

Khánh Ly (Theo Tiếp thị & Gia đình)

“Đại chiến quảng cáo” vốn không còn xa lạ gì với các công ty lớn và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp thị trường bán lẻ điện thoại di động thời gian gần đây.

Để “đứng vững trên thương trường”, không ít lần người tiêu dùng được chứng kiến những “trận chiến” qua lại nảy lửa giữa các chiến dịch tiếp thị của các thương hiệu, và nổi bật nhất trong số đó là màn đối đầu của hai ông lớn trong phân khúc sản phẩm “sữa lúa mạch” là Milo và Ovaltine; cuộc chiến trăm năm giữa Pepsi và Coca Cola; McDonald’s và Burger King... Gần đây, thị trường lại một lần nữa chứng kiến những “căng thẳng leo thang” về chiến dịch quảng cáo giữa Thế giới Di động - FPT Shop - Di động Việt.

“Người khổng lồ” Thế giới Di động tuyên bố: “Giá rẻ quá”

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MWG cho biết, trước đây, Thế Giới Di Động không quá căn ke về chênh lệch giá bán các sản phẩm Apple của chuỗi Thế Giới Di Động so với các đối thủ và đây chính là “khe hở” để các đối thủ kiếm khách hàng. Ông khẳng định, sắp tới hiện tượng này sẽ chấm dứt, Thế Giới Di Động sẽ không để chênh lệch giá này trở thành điểm để đối thủ lợi dụng.

Lãnh đạo của Thế Giới Di Động cũng khẳng định đây không phải là chiến lược ngắn hạn mà sẽ được doanh nghiệp triển khai lâu dài từ thời điểm hiện tại. Ông Tài cảnh báo các đối thủ cạnh tranh nên chuẩn bị tinh thần cho chiến lược mới này của công ty.

Để chứng minh cho điều này, Thế Giới Di Động bắt đầu cuộc chiến giá bằng việc phát động chiến dịch quảng cáo “Giá rẻ quá”. Một TVC quảng cáo được tung ra để truyền thông tới khách hàng thông điệp “Nói GIÁ RẺ QUÁ đến Thế Giới Di Động, đến Điện máy Xanh” hay “ Khoan khoan, GIÁ RẺ QUÁ đến Thế Giới Di Động, đến Điện máy Xanh”. 

nh chụp màn hình 2023-05-21 002027
Chiến dịch "Giá rẻ quá" của Thế giới Di động

Theo đó, các sản phẩm tại hai chuỗi này sẽ có mức giảm đến 50%, một số còn được áp dụng kèm nhiều khuyến mại khác hoặc những gói trả góp, giúp người dùng dễ tiếp cận sản phẩm hơn. Video quảng cáo cho thấy thương hiệu hiểu rõ ưu tiên tiết kiệm hiện nay của người tiêu dùng và mong muốn họ lựa chọn được nơi mua sắm có mức giá ưu đãi tốt.

“Ông lớn” FPT Shop đáp trả: “Ở đâu “rẻ quá” ở đây rẻ hơn”

Phản ứng trước động thái của Thế Giới Di Động, chuỗi FPT Shop ngay lập tức tung ra chương trình giảm giá tương tự với khẩu hiệu "Ở đâu 'rẻ quá' ở đây rẻ hơn". Chiến dịch này FPT Shop dành các ưu đãi cho sản phẩm điện thoại di động đến từ Apple, Samsung,… 

346848663_257512863436286_4788910748915753920_n
Chiến dịch quảng cáo "Rẻ hơn cả rẻ quá" của FPT Shop

Nhà bán lẻ thuộc FPT Retail thậm chí không ngần ngại so sánh trực diện giá điện thoại “Rẻ hơn” của mình với chiến dịch “Rẻ quá” của người anh em cùng ngành, với mức giá thấp hơn từ vài trăm đến 1 triệu đồng.

Di Động Việt tung chiêu: "Rẻ hơn các loại Rẻ!"

Dù có quy mô khiêm tốn so với Thế Giới Di Động hay FPT Shop, nhưng chiến dịch quảng cáo này của Di Động Việt đã gây được sự chú ý. Trên website chính thức của Di động Việt, người tiêu dùng có thể nhìn các khẩu hiệu "Rẻ hơn các loại Rẻ!" bên cạnh giá niêm yết các sản phẩm. 

nh chụp màn hình 2023-05-21 002808
Chiến dịch quảng cáo "Rẻ hơn các loại rẻ" của Di động Việt

Bên cạnh đó, CellPhoneS cũng tung ra chiến dịch khuyến mãi nhưng chỉ dừng lại ở các phụ kiện điện tử. Tuy nhiên, khi được hỏi về cuộc chiến giá, đại diện CellPhoneS cho biết "sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến giá nào."

Như vậy, sau những phát ngôn giá rẻ, rẻ hơn, các nhà bán lẻ đua nhau giảm giá. Một số hệ thống lớn áp dụng mức giảm giá tối đa, miễn sao thấp hơn đơn vị khác, dù bước giá chỉ chênh nhau 10.000 đồng. Theo ghi nhận, giá bán điện thoại di động tại Thế Giới Di Động đã gần như ngang bằng các đơn vị vốn trước nay bán rẻ hơn cả triệu đồng. Thậm chí, với dòng sản phẩm iPhone 14 Pro Max 512 GB màu đen, Thế Giới Di Động đang bán với giá 35,79 triệu đồng, rẻ hơn mức giá 35,99 triệu đồng mà CellphoneS đang niêm yết.

Ai hưởng lợi?

Năm 2023 được dự báo là quãng thời gian đầy khó khăn với các ngành bán lẻ điện thoại di động. Nhu cầu mua sắm của người dùng xuống cực thấp do khó khăn về kinh tế khiến khiến nhiều đại lý sụt giảm doanh số. Lúc này, ngành bán lẻ điện thoại di động buộc phải tìm mọi cách để kích cầu tiêu dùng như tung các chiến dịch quảng cáo giảm giá, khuyến mãi hay tăng trải nghiệm người dùng.

Tổng quan quý 1/2023, toàn bộ thị trường điện thoại Việt Nam giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ vào độ phủ cửa hàng, độ uy tín và chất lượng dịch vụ hay ngân sách truyền thông quảng cáo, thị phần đang có có sự dịch chuyển mạnh từ các cửa hàng nhỏ lẻ sang các chuỗi lớn, hệ thống lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop,...

Các chương trình quảng cáo về giá này đang giúp người dùng tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa chi tiêu và tránh áp lực về tài chính. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cuộc chiến về giá không có lợi cho doanh nghiệp, thậm chí cả thị trường. Bởi lẽ, việc giảm giá khiến doanh nghiệp phải “hy sinh lợi nhuận” để tiếp cận khách hàng, đồng thời không ngoại trừ việc người dùng chần chừ trong việc rút hầu bao bởi muốn đợi giá sản phẩm hạ thêm nữa.

Như vậy, có thể thấy cuộc “đại chiến quảng cáo” giảm giá để kích cầu không hẳn đã mang lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp, có chăng đây chỉ là “chiêu” để các “ông lớn” có tiềm lực giành giật thị phần với các doanh nghiệp bé hơn. 

Cùng chuyên mục