Hơn 200 hộ dân chung cư Phú Thạnh có nguy cơ 'màn trời chiếu đất': Mua nhà như thế nào để trở thành người tiêu dùng thông minh?
Dù đã thanh toán 95% giá trị căn hộ nhưng hơn 200 hộ dân ở chung cư Phú Thạnh có nguy cơ "màn trời chiếu đất" do ngân hàng thông báo xiết nợ chủ đầu tư. Luật sư tư vấn cách mua nhà hình thành trong tương lai để trở thành người tiêu dùng thông minh.
Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TPHCM vừa gửi Thông báo số 285 cho Công ty 585 và Ban Quản trị chung cư Phú Thạnh (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) với nội dung yêu cầu 214 chủ sở hữu căn hộ trong chung cư phải bàn giao căn hộ cho ngân hàng.
Lý do được ngân hàng nêu trong thông báo là căn cứ vào hợp đồng tín dụng số 55 ngày 2/8/2010 ký giữa Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TPHCM với Công ty 585, các hợp đồng thế chấp số 104 ngày 8/4/2010, số 03 ngày 24/1/2011 do Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TP.HCM ký với Công ty 585.
Theo hợp đồng tín dụng số 55, các hợp đồng thế chấp số 104 và số 03, Công ty 585 đã sử dụng tài sản thế chấp là 214 căn hộ thuộc dự án khu chung cư cao tầng Phú Thạnh để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ nợ của Công ty 585 tại Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TPHCM.
Hiện nay, khoản vay của Công ty 585 đã bị quá hạn, vi phạm các điều khoản của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đã ký kết. Ngân hàng sẽ khởi kiện Công ty 585 tại tòa án các cấp có thẩm quyền để yêu cầu xử lý phát mãi tài sản thế chấp là 214 căn hộ theo danh mục đính kèm.
"Kể từ ngày nhận được thông báo này, Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TPHCM đề nghị Công ty 585 hoặc Ban Quản trị chung cư Phú Thạnh thông báo đến các ông/bà đang sử dụng tài sản thế chấp (214 căn hộ) có nghĩa vụ phối hợp và bàn giao tài sản cho ngân hàng để xử lý, thu hồi nợ vay Công ty 585 theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và các quy định của pháp luật" - văn bản của Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh TPHCM nêu.
Bà Trần Thị Bình, chủ căn hộ ở Block C, cho biết, năm 2013, bà mua căn hộ diện tích 110m2 với giá 1.650.000.000 đồng và gia đình bà đã thanh toán 95% trị giá căn hộ cùng 2% phí bảo trì. Sau khi thanh toán, gia đình bà được Công ty 585 hứa hẹn trong 2 năm sẽ làm các thủ tục để được Nhà nước cấp sổ hồng. Tuy nhiên, đến nay, gia đình bà vẫn không thấy sổ đâu mà lại có nguy cơ bị mất luôn nhà ở.
Tương tự, ông Minh mua 2 căn hộ ở hai block A-E từ năm 2011 và cũng đã thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng (thanh toán 95% số tiền và 2% phí bảo trì). Song, hơn 10 năm qua, ông vẫn chưa nhận được sổ hồng.
“Tôi đã nhiều lần hỏi chủ đầu tư, họ hứa sẽ cấp cho tôi trong thời gian tới, nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu. Tôi trực tiếp lên hỏi phường, quận thì nhận được câu trả lời rằng việc cấp sổ hồng cho các hộ dân ở chung cư Phú Thạnh chưa thể xử lý được do còn vướng mắc một số thủ tục. Lúc mua chúng tôi không hay biết là dự án đã bị chủ đầu tư mang đi thế chấp", ông Minh bức xúc nói.
Hiện chủ nhân của 214 căn hộ tại chung cư Phú Thạnh như ngồi trên đống lửa, mất ăn mất ngủ vì tài sản có thể bị mất trắng, nguy cơ "màn trời chiếu đất".
Được biết, chung cư Phú Thạnh do Công ty xây dựng công trình 585 - Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 làm chủ đầu tư với tổng diện tích 13.521m2, bao gồm 848 căn hộ.
Mua nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào để trở thành người tiêu dùng thông minh?
Để không bị rơi vào hoàn cảnh như hơn 200 hộ dân ở chung cư Phú Thạnh, Luật sư Thái Thị Tuyết Nhung - Đoàn luật sư TPHCM chia sẻ về những vấn đề người mua nhà chung cư (tài sản hình thành trong tương lai) phải lưu ý.
Cụ thể, theo luật sư Nhung, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua bán, đảm bảo đầy đủ thông tin, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên. Tiếp đó, người dân cần cẩn trọng với điều khoản là "người mua nhà đã đọc rõ và hiểu không được khiếu nại gì về sau"; xác minh tính pháp lý của dự án, bao gồm giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh bất động sản, sổ đỏ/sổ hồng đất nền...
Đặc biệt, người dân phải theo dõi sát sao tiến độ thi công dự án, đảm bảo đúng cam kết trong hợp đồng; tìm hiểu kỹ về uy tín, năng lực tài chính của chủ đầu tư; chỉ thanh toán tiền mua nhà qua hệ thống ngân hàng hoặc phương thức thanh toán hợp pháp được chủ đầu tư chỉ định; kiểm tra kỹ chất lượng căn hộ trước khi bàn giao; xem xét kỹ lưỡng các hạng mục như diện tích, nội thất, hệ thống điện nước...; yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các lỗi thi công trước khi nhận bàn giao.
Bên cạnh đó, người mua nhà nên tìm hiểu kỹ về mức phí dịch vụ chung cư, bao gồm các dịch vụ đi kèm và cách thức tính toán; trao đổi, thỏa thuận rõ ràng về mức phí dịch vụ với chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng.
Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu thông tin từ những người đã mua nhà tại dự án hoặc các nguồn tin cậy khác; tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia bất động sản để được tư vấn cụ thể; luôn giữ lại các giấy tờ liên quan đến việc mua bán nhà như hợp đồng, biên lai thanh toán; cập nhật thông tin thường xuyên về dự án và các quy định liên quan.
Đối với vụ việc xảy ra tại chung cư Phú Thạnh, luật sư Đoàn Hồng Trâm (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc VietAbank xiết nợ 214 căn hộ chung cư Phú Thạnh có cơ sở pháp lý dựa trên các hợp đồng tín dụng và thế chấp được ký kết giữa ngân hàng và Công ty 585. Khi Công ty 585 vi phạm hợp đồng, nợ quá hạn, VietAbank có quyền siết nợ tài sản thế chấp để thu hồi vốn vay.
Luật sư Đoàn Hồng Trâm cũng lưu ý rằng, quyền lợi của người mua nhà cần phải được bảo vệ. Người mua nhà đã thanh toán 95% giá trị căn hộ, có đầy đủ hợp đồng mua bán và đang sinh sống hợp pháp tại đây. Việc siết nợ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ.
Luật sư Trâm đưa ra một số giải pháp để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà như: Đối thoại, thương lượng với VietAbank.
"Cư dân nên cử đại diện để đối thoại, thương lượng với VietAbank, tìm kiếm giải pháp thỏa thuận, đảm bảo quyền lợi của các bên. Các hộ dân có thể tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ các luật sư có chuyên môn để bảo vệ quyền lợi cho mình. Ngoài ra, cư dân nên kiến nghị chính quyền địa phương vào cuộc, hỗ trợ giải quyết vấn đề, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà" - luật sư Đoàn Hồng Trâm nêu quan điểm.