Thứ tư, 12/10/2022, 09:52 (GMT+7)

Sử dụng sản phẩm tẩy màu tóc và lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia

P.V (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Nếu tiếp xúc lâu với sản phẩm tẩy tóc, hiện tượng bỏng hóa chất sâu có thể xảy ra, thậm chí có trường hợp cần phải nhập viện để điều trị.

Tẩy tóc không đúng cách có thể khiến tóc bị hư hại nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock

Màu tóc cũng là yếu tố thể hiện phong cách và cá tính của một ai đó. Để tóc có thể lên màu sáng như bạch kim, xám khói hay neon, người thợ cần loại bỏ màu nguyên thủy của tóc. Thông qua các sản phẩm tẩy tóc chuyên dụng. Lúc này, các chất trong thuốc tẩy sẽ tương tác với sắc tố trong tóc, gây ra các phản ứng hóa học và loại bỏ đi màu tóc cũ. Việc tẩy tóc tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, đặc biệt là khi được thực hiện không đúng cách.

Tẩy tóc là gì?

Tương tự như làn da, tóc cũng chứa sắc tố melanin mang lại màu đen cho mái tóc. Công đoạn tẩy tóc được hiểu là giải pháp xóa bớt đi melanin trong sợi tóc và làm lộ ra lõi bên trong có màu sáng hơn. Sau bước này, sợi tóc mới có thể hấp thụ thuốc nhuộm có màu sắc rực rỡ. Thông thường, các nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp có một hệ thống đánh giá màu tóc, từ số 1 đến 12. Cấp độ 1 là đen đậm. Còn cấp độ 12 là tóc vàng bạch kim. Như vậy, tùy thuộc vào màu sắc mà bạn muốn nhuộm, thợ làm tóc sẽ phải tẩy tóc cho bạn đến một mức độ nhất định.

Các thành phần hiện có trong thuốc tẩy tóc

Các sản phẩm được sử dụng để tẩy màu tóc có thể chứa một số hóa chất rất mạnh. Trong đó có thể kể đến là hydrogen peroxide, natri persulfate và các chất có tính kiềm mạnh. Khi tiếp xúc với sợi tóc, hydrogen peroxide sẽ xóa đi melanin. Vì vậy, bạn để thuốc tẩy trên tóc càng lâu, thì hydrogen peroxide lại càng có nhiều thời gian để hoạt động. Mái tóc của bạn từ màu đen sẽ chuyển sang nâu, đỏ, vàng đậm và cuối cùng là vàng bạch kim (mức độ sáng nhất).

>> Xem thêm: Bật mí những cách dưỡng tóc mùa hè cho các nàng

Ảnh hưởng của việc tẩy tóc lên da đầu và tóc

Theo BS CKII Lê Vi Anh – Khoa Da liễu Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, hầu hết những người tẩy tóc đều có chung một cảm nhận rằng đây là một quá trình không hề dễ chịu. Nguyên nhân dẫn đến cảm giác rát buốt và đau là do nồng độ hydrogen peroxide có trong thuốc tẩy. Chất này khi đi vào chân tóc sẽ làm sợi tóc nở ra. Lớp biểu bì bọc sợi tóc bị vỡ. Từ đó, tóc sẽ mất đi độ ẩm và dễ gãy rụng. Nguy hiểm nhất là thực hiện tẩy tóc thường xuyên trong thời gian dài có thể dẫn đến biến đổi cả màu da, nguy cơ gây ung thư và rối loạn nội tiết.

Ngoài ra, các hóa chất trong sản phẩm tẩy tóc có thể gây ra bỏng hóa chất hoặc viêm da tiếp xúc. Vì vậy, việc tẩy tóc không đúng cách dễ dẫn đến các tác dụng phụ như kích ứng da đầu, bỏng rộp da đầu, gây ra cảm giác rát da trong quá trình thực hiện.

Rủi ro bỏng da đầu trong quá trình tẩy tóc

Những vết bỏng hóa chất thường xảy ra nông, có thể ở lớp thượng bì. Tuy nhiên, BS Lê Vi Anh cho biết, nếu tiếp xúc lâu với sản phẩm tẩy tóc, hiện tượng bỏng hóa chất sâu có thể xảy ra và có những trường hợp cần phải nhập viện. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp khi bỏng hóa chất gồm đỏ da. Bên cạnh đó là sưng tấy hoặc đau ở vùng tiếp xúc với mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số trường hợp da đầu còn phồng rộp, nổi mụn nước, bóng nước, ẩm ướt hoặc rỉ dịch ở khu vực bị ảnh hưởng.

Một rủi ro khác cũng cần lưu ý khi tẩy tóc là tình trạng kích ứng da đầu dưới dạng viêm da tiếp xúc. Các triệu chứng mà bạn có thể nhận biết như ngứa, cảm giác châm chích, đỏ da hoặc sưng tấy, bong tróc hoặc tróc vảy từng mảng da. Một số trường hợp cũng có thể xuất hiện mụn nước lan rộng, rỉ dịch và đóng mài.

Làm gì khi da đầu bị bỏng hóa chất hay viêm da tiếp xúc?

Trong trường hợp bỏng hóa chất trên da đầu ở mức độ nhẹ, việc đầu tiên là mang găng tay và xả sạch thuốc tẩy trên đầu bằng nước. Sau đó, tiếp tục rửa vùng bị bỏng rát bằng nước mát trong ít nhất 10 phút. Tiếp đến, dùng gạc mét chườm lên vùng tổn thương để giảm đau và sưng. Bạn có thể uống thuốc giảm đau không cần kê đơn như paracetamol, ibuprofen hoặc acetaminophen.

Với da đầu bị kích ứng, ngứa hoặc bong tróc do tẩy tóc, bạn vẫn cần rửa sạch với nước. Tuyệt đối không cào gãi khu vực bị ngứa hoặc bị kích thích vì có thể gây ra các tổn thương trên da. Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu da đầu rất ngứa, bạn có thể dùng thuốc kháng histamine không kê đơn và bôi kem corticosteroid có thể giúp giảm viêm. Những ngày đó, bạn nên sử dụng các sản phẩm gội dịu nhẹ, không bọt, ít gây kích ứng cho da đầu mau hồi phục.

Các trường hợp bỏng hóa chất nặng do tẩy tóc như vết bỏng sâu có diện tích lớn hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị ngay lập tức.

Lời khuyên từ chuyên gia

Để da đầu an toàn mà vẫn có màu tóc thời trang, cách tốt nhất là thực hiện tẩy, nhuộm ít nhất từ 6 – 8 tuần/lần. Đây là khoảng thời gian cần thiết để mái tóc phục hồi. Giúp tóc trở lại trạng thái bình thường sau khi tiếp xúc với hóa chất.

Trước khi có ý định tẩy tóc, bạn nên sử dụng dầu xả trước khi gội đầu trong 3 ngày trước và 3 ngày sau khi tẩy tóc. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện thêm liệu trình xử lý màu sau tẩy tóc giúp tăng liên kết disulfide trong sợi tóc.

Bên cạnh đó, tóc cần chế độ chăm sóc đặc biệt sau khi tẩy, nhuộm. Cụ thể là:

    • Sử dụng các loại mặt nạ dưỡng tóc, serum hoặc các sản phẩm phục hồi, tái tạo tóc.
    • Thoa kem bảo vệ tóc trước tác động nhiệt khi tạo kiểu tóc bằng máy duỗi hoặc máy sấy tóc.
    • Luôn sử dụng dầu xả sau khi gội đầu.
    • Chải tóc nhẹ nhàng, không kéo quá mạnh.
    • Nên gội đầu bằng nước lạnh hoặc ấm nhẹ để không bị khô.

Tiếp Thị Gia Đình

 

Cùng chuyên mục