Cảnh báo trẻ nhập viện do bệnh hô hấp tăng, bác sĩ hướng dẫn cách phòng bệnh
Số ca mắc bệnh hô hấp ở trẻ em không ngừng tăng, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thay đổi liên tục. Bệnh không chỉ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn có nguy cơ khiến trẻ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
Viêm đường hô hấp ở trẻ em là tình trạng một hoặc nhiều bộ phận trong hệ thống đường hô hấp gồm các bộ phận cấu tạo thành xoang, đường mũi, hầu họng, thanh quản. Bình thường, không khí từ bên ngoài cơ thể sẽ được hít vào từ mũi, làm ẩm, sưởi ấm, lọc và đưa đến phổi. Sau đó, không khí sẽ được lọc lại và thực hiện quá trình trao đổi khí. Đường hô hấp được chia làm 2 nhóm, gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới, ngăn cách nhau ở Sụn nhẫn.
Tuy nhiên, khi trẻ bị viêm đường hô hấp, tình trạng viêm nhiễm ở một hoặc một số cơ quan gây cản trở quá trình hô hấp và có thể gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Một số bệnh viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ gồm nhiễm trùng mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có hơn 4 triệu ca tử vong do các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ, chủ yếu là do viêm phổi gây ra. Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, có khả năng tái nhiễm 4-6 lần/năm.
Thông tin từ Khoa Hô hấp 1 (Bệnh viện Nhi đồng 2), gần đây, lượng bệnh nhi tới thăm khám các bệnh hô hấp tăng cao. Trong đó, số bệnh nhi nhập viện nội trú tăng 20-25% so với tháng trước. Các ca nhập viện thường trong độ tuổi dưới 5 tuổi, với các bệnh như: viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, hen…
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 - Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết, bệnh lý hô hấp lây qua không khí, lây qua môi trường tập thể như trường học… Tại bệnh viện, số bệnh nhi nhập viện đã bắt đầu gia tăng số ca do hô hấp, có ca biến chứng sang viêm phổi… Dự báo số ca bệnh có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 11.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, những ngày gần đây, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đến khám, điều trị tăng chưa từng có. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản là hơn 4.693 ca, viêm phổi là 8.176 ca. Trước tình hình trên, để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện đã phải tăng cường một số phòng khám, tăng cường điều trị theo dõi ngoại trú, trưng dụng mở rộng một số khoa liên quan bệnh hô hấp để tiếp nhận và điều trị bệnh nhi.
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm ở trẻ gia tăng. Trong đó, thời tiết chuyển mùa, trẻ quay trở lại trường học là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan, đặc biệt là các bệnh về hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa…
Một số gợi ý giúp phòng bệnh đường hô hấp ở trẻ
1. Thường xuyên rửa tay
Rửa tay là cách cần thiết và có hiệu quả cao giúp phòng ngừa viêm đường hô hấp cũng như các bệnh về đường tiêu hoá. Nguyên do là vì bàn tay chính là bộ phận tiếp xúc đồ vật thường xuyên nhất nên rất dễ dính bụi bẩn, nhiễm vi khuẩn hay virus.
Vì thế, bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ cách rửa tay 6 bước đúng cách bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay có tối thiểu 60% nồng độ cồn trước và sau khi ăn; sau khi ho và hắt hơi; sau khi đi vệ sinh,…
2. Cắt móng tay gọn gàng
Như đã nói ở trên, bàn tay là bộ phận tiếp xúc với nhiều đồ vật, nên móng tay chắc chắn sẽ là “ngôi nhà lý tưởng” của hàng triệu vi khuẩn. Nếu những lúc bàn tay chưa sạch, trẻ ăn, mút ngón tay hay chạm lên mắt, mũi thì có thể vô tình “mở đường” cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến việc gây nguy hại cho sức khoẻ như nhiễm trùng da, áp xe,…
Do vậy, bên cạnh việc rửa tay, bố mẹ nên thường xuyên nhắc nhở trẻ cắt móng tay. Song, đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, bố mẹ có thể cắt giúp bé để giảm nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp và truyền nhiễm.
3. Vệ sinh răng miệng
Chính vì vi khuẩn và virus dễ xâm nhập nhất qua đường mũi và miệng nên bố mẹ hãy nhắc nhở và tập cho trẻ thói quen làm sạch răng miệng ngày 2-3 lần, vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ và sau mỗi bữa ăn.
Hơn nữa, việc súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày có tác dụng sát khuẩn trong vòm họng, hạn chế sự phát triển của virus, vi khuẩn gây viêm họng.
4. Vệ sinh mũi
Khi ở nơi công cộng đông người, đây là lúc vi khuẩn hay virus dễ phát tán nhất. Để đề phòng và làm giảm các triệu chứng của đường hô hấp trên, bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ sau khi về nhà. Phương pháp này hiệu quả và quan trọng với trẻ mắc các chứng sổ mũi, ngạt mũi do viêm xoang, viêm mũi vì có thể giúp giảm bớt tình trạng khó chịu và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Thêm vào đó, việc sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi sau mỗi lần hoạt động cộng đồng sẽ giúp giảm các chứng dị ứng, viêm đường hô hấp trên ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn.
5. Không dùng chung đồ cá nhân và luôn giữ đồ chơi sạch sẽ
Đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, vì chúng có thể mang và lây nhiễm mầm bệnh. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần lưu ý, hướng dẫn, nhắc nhở và dạy trẻ không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Chẳng hạn ly nước, chai nước, khăn tay,… phải dùng riêng và được làm sạch mỗi ngày, kể cả ở nhà hay trường học.
6. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp
Do môi trường, dịch bệnh và sức đề kháng nên ai cũng có thể nhiễm các bệnh lý hô hấp như cúm, viêm mũi họng, hen suyễn, viêm phổi,… Chính vì thế, chủ động tiêm phòng vaccine là việc làm vô cùng cần thiết. Bên cạnh các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng, có một số loại bố mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung thêm cho trẻ nhằm ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý, không nên tiêm vaccine khi trẻ đang bị cúm, nghi ngờ nhiễm cúm hay đang bị các bệnh nhiễm trùng khác.
7. Chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng
Để duy trì hệ hô hấp cũng như một cơ thể khoẻ mạnh thì không thể bỏ qua một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh như:
Luôn uống đủ nước; Cố gắng tăng lượng rau củ, trái cây giàu vitamin như bưởi, cam, chuối,… trong các bữa ăn,vừa tăng cường hệ miễn dịch lại vừa tránh táo bón; Bổ sung các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám, sữa chua cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ; Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, tôm, cua,…
8. Giữ ấm cho cơ thể
Bên cạnh những biện pháp trên, việc giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là cho đường thở của trẻ rất quan trọng. Cha mẹ nên dặn dò và trang bị cho các em, trước khi ra ngoài phải có đủ áo khoác, nón, khăn choàng cổ, găng tay, khẩu trang,... Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ăn đồ lạnh, uống nước đá, thay vào đó nên ăn hoặc uống đồ nóng, ấm.
Chăm sóc trẻ bị bệnh về hô hấp phụ huynh cần nhớ các nguyên tắc cơ bản
Trong trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp ở mức độ nhẹ, bố mẹ có thể chăm sóc và điều trị tại nhà theo các cách sau:
Đối với các triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi: Đường thở của trẻ có thể bị thu hẹp đáng kể do viêm nhiễm, dịch nhầy tích tự nhiều gây khó chịu trong mũi và họng. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn khi thở, thở khò khè. Vì vậy bố mẹ nên thường xuyên lau mũi, hút mũi và nhỏ mũi cho trẻ để làm thông thoáng đường thở. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý trước rồi dùng dụng cụ hút mũi, hút sạch dịch nhầy ra khỏi mũi trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, sau khi nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ hỉ mũi ra.
Đối với trẻ có triệu chứng ho khan: Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, giảm ho, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các cách trị ho từ thảo dược phù hợp với tình trạng của bé.
Trẻ bị sốt: Khi trẻ bắt đầu phát sốt, bố mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng phù hợp tránh để sốt cao kéo dài. Tuy nhiên, sốt cao khiến trẻ bị mất nhiều nước và điện giải, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, tránh để cơ thể mất nước. Đối với trẻ đang được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn và chia thành nhiều cữ nhỏ trong ngày để hỗ trợ bé tiêu hóa, giảm nôn trớ. Đối với trẻ lớn hơn, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất cho trẻ nhằm giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau:
Các triệu chứng của viêm đường hô hấp ở trẻ không có dấu hiệu cải thiện
Khó thở, thở nhanh, thở co rút lồng ngực
Sốt cao co giật
Trẻ bỏ bú, bỏ ăn
Xuất hiện các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng
Da tím tái
Ho khan kéo dài
Nôn ói nhiều
Tiêu chảy nghiêm trọng…